Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

KHỈ NHỚ RỪNG - Liên Hương

Chị Liên Hương (Trunghocbmt56) thăm thầy Đỗ minh Giảng
Hội ngộ Trung học BMT xin giới thiệu một bài viết có nhiều chi tiết gợi nhớ một BMT thời ...trung cổ ( không quá cổ, mà cũng không phải thời nay) mà ta có thể cảm nhận được từng chi tiết.

Bệnh nhân há miệng nằm trên ghế, đợi chữa răng , chợt hỏi tôi: “Bà có phải là chị của Liên Tâm, Liên Phương không?” Tôi ráng lục trí nhớ: “Bộ bà quen với mấy em tôi hả?” “Không, tôi là Nho đây, bộ quên tôi rồi sao?” Ồ Trái Nho, quên sao đành! Ba mươi năm rồi chớ ít sao, nhan sắc, cuộc đời đứa nào cũng thay đổi, khó mà nhận ra nhau được. May mà ba tôi cầu kỳ, đặt cái tên tôi có chữ lót không giống ai nên Nho biết mà tìm tới.
Hôm đó tôi đưa Nho về để được trình diện với chồng con nó luôn thể. Chúng tôi thèm có thì giờ để gợi lại những kỷ niệm ngày còn học lớp nhất, đệ thất ở Ban Mê Thuột, thời 55, 56. Chồng tôi nói đùa “Ta đợi em từ 30 năm!” May mà em này với tôi cùng phái nên không ai bị ghen tuông, rắc rối cả! Một dĩ vãng ấu thời sống lại, nhắc nhở tôi hàng ngày mỗi khi đầu óc hơi rảnh rỗi một chút. Cách đây hai năm, tôi cũng gặp lại Trần Vịnh trong một lần picnic thân hữu. Hai mươi tám năm, tôi chỉ thấy Vịnh đổi khác một chút: mái tóc húi cua xanh đen nay đổi thành tiêu muối, nhưng nhận ra được ngay. Hồi đó Trần Vịnh và Tôn Thất
Tường làm Trưởng và Phó lớp tôi. Hai tên này ỷ tuổi, ỷ chức, làm le hết chỗ nói, quên sao được. Bạn cũ Ban Mê Thuột tôi thường gặp nữa là
Lê Thiệp, tên nhà báo này suốt đời lông bông, lang bang, tâm địa tốt mà cuộc đời như lục bình trôi. Bất ngờ gặp nhau trong một tiệm ăn ở San Jose, sau câu chào hỏi, Thiệp báo cáo ngay “Tháng rồi tôi mới gởi quà và tiền về cho bà cụ đấy, bà đừng có mắng nghe chưa!” Thiệp và tôi là bạn hàng xóm, Thiệp là “hủ mắm treo đầu giàn” của cả họ nhà hắn thời đó. Ba Thiệp gởi gấm cho ba tôi luyện thi đệ thất cho cả hai đứa.
Ba tôi rất công bình, “Giáo bất nghiêm, sư chi nọa” (dạy không nghiêm chỉnh là lỗi của thầy giáo). Dĩ nhiên là bản chất lông bông của Thiệp dễ bị nhắc nhở hơn là kiểu học hành đàng hoàng của bọn con gái, dù là đứa con gái “Nữ kê tác quái” như tôi. Tôi đã có khuynh hướng quen ăn hiếp Thiệp từ lúc đó nên Thiệp thường than thở “Bà với tôi cùng tuổi mà bà làm như chị hai tôi không bằng!”
Sau hiệp định Genève 1954, Ban Mê Thuột là vùng đất cho đồng bào di cư từ Bắc vào Nam, có khá nhiều trại định cư được thành lập. Gia đình tôi thì đổi từ thành phố Huế thơ mộng đến vùng rừng rú cao nguyên. Tuổi mười, mười hai thả vào rừng thì tha hồ tung tăng nghịch ngợm. Bọn tứ quái chúng tôi gồm 4 đứa: Nho, Dung, Cẩm và tôi. Thời chiến tranh, trẻ bị gián đoạn học hành nên đi học trễ, bọn bốn đứa chúng tôi nhỏ xíu so với mấy chị khác đã có tướng e ấp điệu bộ, sẵn sàng lên xe bông bất cứ lúc nào. Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ gần chợ, trường ốc tương đối đàng hoàng. Trong trường có một khu đất rào riêng, trồng đu đủ và chuối, nuôi mấy con gà. Bác Tám cai trường lo tăng gia sản xuất, có đu đủ, chuối chín hay trứng gà là đem lên cho lớp nhất bán đấu giá, lấy tiền gây quỹ cho trường. Đây là lúc Trần Vịnh và Tôn Thất Tường ra oai, quyết định vận mệnh mấy món lộc này sẽ đi về đâu. Bọn tôi phải lém lỉnh ra chiêu sao mua được món rẻ về cho má khen. Một hôm ngồi trong lớp, nhỏ Dung khều tôi: Mày ngửi xem mồm tao còn thơm không? Hôm trước một con chó bị xe cán, mẹ tao mua về xẻ thịt nấu rựa mận, ngon đáo để, thịt chó dính kẽ răng bảy ngày còn thơm! Từ đó về sau, cứ đi ngang một quán Lá Mơ hay Cây Còn là tôi lại nhớ đến Dung. Hồi đó loại truyện bằng tranh rất thịnh hành: Tây Du Ký, Chiêu Quân Cống Hồ, Phạm Công Cúc Hoa... Nho ngồi nép vào khe cửa, ngốn ngấu một cốt truyện hấp dẫn, Lê Thiệp kiếm chuyện: Ê, con gái mà đọc tiểu thuyết! Lúc đó đọc tiểu thuyết được coi là lãng mạn, không tốt. Nho sừng sộ: Kệ tôi, đồ con trai mà mặc áo con gái! Mẹ Thiệp vừa đi Sàigòn mua cho Thiệp một cái áo nỉ xanh biếc. Hai bên tức khí ôm nhau vật lộn. Nho mập hơn, thừa thắng, đẩy Thiệp rơi xuống một cái hố mới đào. Sau đó tôi có nhiều dịp lêu lêu Thiệp: Ê, con trai mà đánh nhau với con gái! Cu cậu tức lắm, chơi với đàn bà con gái thì lúc nào cũng lỗ, nên nhập tâm, sợ tới già luôn, không dám lấy vợ.
Vào đệ thất, trong một năm, trường Nguyễn Trường Tộ đổi địa điểm ba lần. Trường trung học chỉ có hai lớp: đệ thất và đệ lục. Lúc đầu chúng tôi học trong xưởng cưa của trường Kỹ Thuật Thượng, sau đó dời lên một dãy nhà trống trước phi trường. Chung quanh sân là đất hoang, giờ chơi, tụi tôi lò mò đi kiếm nấm mối. Một khoảng đất nhỏ xùi lên, những tai nấm đội nón nhô lên từng đám, hấp dẫn lắm. Nấm mối ăn ngọt và dòn, nhưng khoái nhất là đi học mà có quà mang về cho má. Hết mùa nấm mối, tụi tôi đổi về một căn nhà sàn trong trường Nguyễn Du của người Thượng. Đây là thời kỳ sung sướng nhất của bọn khỉ nhỏ chúng tôi.
Trường nằm trong một khu vườn mênh mông như rừng. Gần lớp học nhất là một cây vít vĩ đại tôi chưa từng thấy. Thử tưởng tượng, cả lớp học, khoảng năm chục mạng, có thể leo lên cây. Bọn con trai chơi rượt bắt, chuyền từ cành nọ sang cành kia, nhanh như vượn. Bọn con gái nhu mì hơn, săn tìm những trái mít cám để chấm muối ớt và chọn những cành thấp hơn để leo lên ngồi đu. Một cành cây chúng tôi thích nhất nằm ngang, chỉa từ thân chính ra, đầu ngọn cành nhỏ đan kết lại, tựa như bàn tay ở đầu một cánh tay. Độ mười vị nữ nhi yểu điệu leo cành và nhún, cành cây sà sát mặt đất rồi tung lên, chúng tôi cười như nắc nẻ. Một hôm cái đu bất đắc dĩ này quá mỏi mệt, kêu răng rắc và gãy ngang trong lúc đang thi hành nhiệm vụ, cho chúng tôi hạ san, lăn cù mèo.
Lồm cồm bò dậy, cả bọn vác cành cây đi giấu ngay, thầy Thạc hiệu trưởng mà biết được, không biết phải ăn mấy ngày cấm túc. Mất cái đu hấp dẫn này, chúng tôi tạm dùng một cái đu nhún khác. Trường tôi vốn là một cái nhà sàn hai căn, dành cho hai lớp. Nhà lợp tranh, sàn nhà là tre nứa đập dẹp, đan khít lại, kê bàn ghế đứng khập khiểng đã là khó rồi. Có những giờ trống nghỉ học, bọn chúng tôi vào lớp, “một, hai, ba” chúng tôi nhún nhịp nhàng, thầy trò bàn ghế lớp bên cạnh cũng nhún nhảy theo. Đến lúc bên đó phát giác ra, xôn xao thì bọn chuột nhắt chúng tôi đã chuồn êm rồi. Sau này, nhớ đến những ngày hoang dã đó, tôi thường nghĩ mà thương cho các thầy giáo cũ, chắc ít nhiều cũng mang tâm trạng:
Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái,
Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi
Những con đường đất đỏ chạy vòng vèo trong trường, chúng tôi từng cặp một đứa ngồi yên sau đạp, một đứa ngồi yên trước lái, đi săn lùng khắp nơi. Mỏi chân, bọn tôi gác xe vào mấy gốc me làm nấc thang để leo lên cho dễ. Trái me từ lúc non đến lúc chín đều ăn được, lá me non nhai nhâm nhi cũng đỡ ghiền, tụi tôi thăm nó thường xuyên. Một hôm nhỏ Dung la ngứa om sòm, thì ra nó ngồi ngay trên một cành có chị sâu róm dành chỗ trước rồi. Mông nó đỏ một dề, trên đó nổi lên từng hạt nhỏ, giữa mỗi hạt là một cái râu sâu róm cắm vào. Tụi tôi phải đem nó đến nhà Cẩm nhờ má nó cứu viện. Má Cẩm vạch mông nó ra, xát vôi vào rồi lấy nhíp nhổ từng sợi lông sâu róm ra. Chúng tôi có hơi nể mấy cây me từ đó và chơi thân với mấy gốc xoài và vườn cam gần suối hơn. Mấy cây xoài muỗm sai trái, suông đuột, chúng tôi ngóc cổ lên nhìn, thèm rỏ dãi. Thỉnh thoảng nịnh được mấy anh em người Radhé nhờ leo lên hái cho một bọc, nhai rau ráu, đã quá! Vườn cam thì có hoa, tụi tôi hái hoa về ngửi, mùa hoa ngào ngạt sau cơn mưa, trái non thì ăn cùi, trái lớn thì ăn lúc còn chua. Một hôm có người đến khiếu nại với thầy Thạc vì mất cam. Thầy chỉ ngay: con này, con này, con này... Tụi tôi sợ tái xanh cả người vì lâu nay vẫn nghĩ rằng đây là rừng hay vườn hoang không chủ, chứ không nghĩ rằng mình đã hái trộm.
Nhà tôi ở trên sườn đồi, dưới một con dốc mà chúng tôi tạm gọi là dốc Cà Phê vì hai bên là vườn cà phê sầm uất. Trái cà phê chín đỏ tươi, mọc thành chùm, coi cũng hấp dẫn lắm. Người ta hái trái cà phê vừa chín tới, phơi khô, bỏ lớp da đẹp đẽ ngọt ngào đi rồi rang sấy hạt, cho loại thức uống đắng và thơm, gia vị cho mùi đời, chứ chính thực ra bản chất của cà phê là ngọt ngào. Cà phê Ban Mê Thuột nổi tiếng là ngon nhưng chúng tôi chỉ mê trái chín đỏ mà thôi. Thỉnh thoảng người ta cày ủi những vườn cà phê lão để xây nhà, đây là một hạnh phúc mới, chúng tôi tha hồ hái trái mà không sợ ai phàn nàn cả. Vườn nhà tôi khá rộng, má tôi lại quá hiền nên đây là nơi tụ tập của bạn bè chúng tôi.
Trước nhà, ba tôi trồng hoa đủ loại: hồng, cúc, thược dược... nhưng tôi mê nhất là hoa Bươm Bướm mà có người gọi là vạn thọ tây. Cuống hoa nhỏ mong manh, cành hoa nhẹ xôn xao như đàn bướm lượn với đủ màu đỏ, tím, trắng, vàng. Trong sân nhà, dưới gốc bồ quân núi là một cây đu ba tôi trồng rất chắc chắn, tha hồ nhún nhảy, có thể vượt cao quá tầm giàn su su và mướp bên cạnh. Giây su su ngọn mập như ngón tay, mỗi mắc là một trái, có khi hai ba trái nữa. Giây mướp hoa vàng, quyến rũ mấy chị ong bầu vo ve suốt ngày. Sau giàn su là cây bưởi sai quả, mỗi năm một lần, có hai người Radhé đeo gùi đến leo lên hái quả, không biết họ ở đâu nhưng bảo rằng cây này do chính họ trồng từ lâu, ba tôi dễ tính, để mặc họ hái, dù sao thì họ cũng điệu, để lại cho chúng tôi chút ít.
Khóm chuối ba tôi trồng nứt ra vô số cây nhỏ. Mỗi quày chuối mười mấy nải, oằn cả cây, trái chuối lớn nhanh, vỏ phát triển không kịp, lúc chín vỏ nứt ra, bay mùi thơm, hấp dẫn mấy chị dơi mỗi đêm. Chúng tôi có một vườn riêng để tăng gia sản xuất. Tôi cầm một cây cuốc nhỏ, xới vài nhát đất, nhỏ em đi sau bỏ vào ba hột bắp. Bắp nảy mầm, xanh mướt, chúng tôi tỉa bớt một cây yếu nhất, để dành hai cây mỗi khóm. Tôi đã đi nhiều nơi và thấy bắp Ban Mê Thuột và bắp Hội An ngon hơn hẳn bắp Biên Hòa. Buổi chiều sâm sẫm, tôi đi trước, lựa trái vừa ăn, bỏ vào một cái rổ cho con em đi bên cạnh, vậy là sáng hôm sau, cả nhà tôi có một nồi bắp ăn điểm tâm ngọt lự, thơm phức. Chúng tôi vừa ăn vừa hít chất nước ngọt từ trong cùi bắp ứa ra. Bà nội tôi thường đùa thằng em kế tôi:
Ông Cai kia hỡi ông Cai, Ông ăn trái bắp ông nhai cả cùi.
Vấn đề nước là khó khăn nhất, mùa khô chúng tôi chỉ đủ nước ở nhà để uống và nấu ăn, còn tắm giặt thì đã có suối. Tôi thường dẫn một bầy em lên xuống con suối trước mặt nhà, đường đi dốc dựng đứng, trời mưa xong phải bám vào bờ cỏ hai bên lối mòn nếu không muốn bị trượt chân lăn dài xuống suối. Dọc bờ suối là những tảng đá lớn, nước chảy quanh co. Người Kinh tắm thì còn mặc chút đỉnh, người Thượng thì chỉ dùng bộ quần áo trời cho, nhưng khi lên khỏi mặt nước thì khum tay lại che chỗ nào mà họ nghĩ là không đẹp. Những người đàn bà Radhé đeo cùi hay địu con, mang theo một mớ bầu nước tùy theo số người trong nhà. Họ hứng nước uống chảy róc rách trong những khe nhỏ, nối tiếp bằng những ống lồ ô cắt xáo miệng. Tôi và Lê Thiệp thường phải đi độ vài cây số để khiêng độ nửa thùng nước lấy từ một khe suối mà mọi người nghĩ rằng nước ngon nhất để ba tôi pha trà.
Từng đại gia đình người Thượng sống chung trong một căn nhà sàn dài độ dăm chục thước. Nhà trống trơn, chỉ thấy vài cái bếp và thỉnh thoảng có một bộ phản dài bằng cả thân cây cổ thụ đục lõm vào. Có những buổi chiều, tôi dẫn đàn em men theo tiếng khèn và tiếng cồng vào các buôn Thượng. Tiếng nhạc buồn bã êm đềm như ma quái lôi cuốn. Lần nào cũng vậy, nhìn qua cửa chúng tôi chỉ thấy vài người đàn ông gật gù bên lu rượu có cần trúc dài cong vút. Vậy mà mỗi lần nghe tiếng khèn, chúng tôi lại cầm lòng không đậu, dắt díu nhau đi, có hôm tối mịt mới về, làm má tôi lo sợ cuống cuồng. Cái thú ké với người lớn là thỉnh thoảng theo ba tôi vào rừng hái phong lan. Lan rừng đẹp và thanh nhã, thường có mùi thơm nhẹ nhàng, phát giác ra một khóm lan và leo lên cây gỡ xuống được là một kỳ công. Chúng tôi chỉ cắt ít mụt măng cho chắc ăn. Măng Ban Mê Thuột dòn và ngọt, đọt nhỏ, người Thượng thường luộc hay phơi khô, xâu bán từng chùm. Thỉnh thoảng bạn bè ba tôi đi săn cuối tuần về chia cho gia đình tôi một đùi nai lớn, tha hồ nhún dấm, phơi khô. Thịt nai mềm nhưng có lẽ không ngọt bằng thịt bò. Cũng có khi tụi tôi được nếm những thứ thịt lạ như thịt heo rừng hay thịt nhím, thịt cọp. Thịt cọp đắng và tanh tanh, ăn không ngon lành gì nhưng được xơi thịt cọp thì cũng thấy mình oai hẳn lên. Những người Thượng mang gùi, đi chân đất từ những buôn xa, đem bán cho chúng tôi đủ thứ rau trái, xơ mướp, chuối và sản phẩm săn được. Khoái nhất là mật ong, mật ong rừng màu vàng xanh nhạt, trong vắt và thoang thoảng hương thơm, trút ra từ hai ống lồ ô to hơn bắp vế. Người Radhé thiệt thà, hiền lành, một đồng hai trái bắp, cứ để hai trái một khóm, 5 khóm là 5 đồng, lớn  nhỏ trước sau gì cũng đồng giá. Chuối thì cứ 5 đồng một nải, từng nải chuối cắt ra, treo quanh hai sợi dây ở hai đầu đòn gánh. Họ chắt móp bán những sản phẩm lặt vặt để mua gạo, muối, một chút cá khô và phong lưu hơn là mua một chiếc cồng bằng đồng. Sau mùa hè đệ thất, ba tôi đổi về Đà Nẵng. Lúc rời rừng núi, tôi sung sướng từ giã vùng đất đỏ. Thế là thoát những ngày nắng gắt thì bụi đỏ mịt mù, mưa xuống thì dép đóng cả dề đất đặc quánh, phải ấn vào cây gạt hay có khi phải dùng dao cùn chặt bớt đất trước khi vào nhà. Nước máy và cát trắng, có thể chạy chơi bằng chân đất vùng biển Đà Nẵng,
quần áo ít dơ hơn, ôi hấp dẫn! Nhưng chỉ vài tuần sau, cứ chiều chiều, tôi lại mường tượng con đường đất đỏ trước nhà chạy ngoằn ngoèo, nổi bật giữa khoảng xanh của cây rừng, lác đác điểm vài ngôi nhà sàn, băng
qua con suối, vào hầm đá, biến mất trong rừng sâu. Trời hơi mưa là tôi lại khóc sụt sùi, ngồi vân vê nắm đất đỏ còn sót từ khóm hoa mà ba tôi bới theo và nhớ Ban Mê Thuột da diết. Má tôi phải la lên “Con này mà
là người Thượng mang về vùng xuôi thì chắc hắn nhớ rừng mà chết mất!”
Tôi nhớ con đường đất đỏ ven sườn đồi đi đến trại định cư Trần Hưng Đạo, hai bên trồng cây thông thiên, hoa vàng rơi lác đác, tôi cứ tưởng tượng cuối đường sẽ gặp hai cô tiên của Lưu Nguyễn. Tôi nhớ những lần
đạp xe đổ dốc, thắng không được, té lăn cù mèo. Những cái đẹp cạnh những thú vui bình dị, hoang sơ. Tôi nhớ con Cẩm ròm, con Dung đen và Nho tròn. Những năm kế tiếp, thỉnh thoảng tôi cũng còn những giấc mơ
quay về rừng núi cũ. Trong những lần vẽ tranh tự do trong lớp, tôi cứ cố gắng diễn tả một con đường đất đỏ quanh co đổ dốc giữa vùng rừng cây xanh ngắt. Bao giờ tôi còn thấy lại được hồ Lắc bí hiểm cạnh lâu
đài Bảo Đại với đường dốc xoáy trôn ốc vây quanh, thác Drayling hùng dũng trắng xóa mà có lần tôi xuýt chết hụt vì nhảy qua những mõm đá. Nỗi nhớ thương của một kẻ xa nơi mình đã từng vui sống đã được Nho
tình cờ khơi lại và xui khiến tôi viết bài tùy bút này. Một vùng đất của quê hương gợi nhớ làm tôi thao thức hoài. Có lẽ càng về già, người ta càng nhớ đến kỷ niệm. Tôi cũng đã ngoài tứ thập rồi, gặp lại một người bạn cũ, nhắc lại một vài kỷ niệm còn ở quê nhà là một hạnh phúc nhỏ, như một tia nắng ấm trong một ngày đông lạnh.
Liên Hương { 1985 }

Không có nhận xét nào: