(Hình ảnh được cập nhật hàng ngày)
Thầy Nguyễn Đình Liễn tại nhà Cô Hạnh ( Chị Cô Chanh), sáng 18-3-2011 |
A ca và Thanh Thúy chào mừng Thầy về thăm trong bữa cơm mừng Thầy |
Thầy Chúc mừng các đồng nghiệp và các học trò tại VN |
Từ trái qua: Thầy Hiếu, Thầy Giõng, Cô sương, chị Thưởng và các học trò 68-75: Võ thuyền, Tuyết Mai, Phượng Tuấn., Thanh Thúy, A Ca, và Hòa |
Thầy rất vui và cảm động vì các học trò cũ |
Với các đồng nghiệp cũ : Thầy Giõng, Thầy Vĩnh và Thầy Lô |
Thầy chuẩn bị móc bóp lì xì, tiết mục mong đợi nhất trong ngày |
Cô dặn rồi, mỗi đứa 1 tờ thôi nhé |
Ai cũng vui |
Vẫn chưa hết tiền ! Thầy Lô đang xem số đẹp |
Thầy và quí đồng nghiệp và học trò cũ, biết vậy Thầy về sớm hơn |
Cà phê sáng, chuẩn bị thăm Thầy cô ( sáng 19-3) |
Thầy Phạm Văn Đồng |
Học trò cũ 67-74: Hồng, Ánh, Vinh và Liễu cùng quí Thầy |
Thêm L Dũng, Hòa ( 68-75) |
Cô Trang.Thầy Liễn và Thầy Giõng |
Với Thầy Giảng. Nụ cười quá đỗi hạnh phúc của thầy |
Với Thầy Trương Vinh |
Chị Hồng, Ánh, T Liễn, Thầy Vinh, Thầy Giõng, Chị Vinh, Chị Liễu và L Dũng trước của nhà Thầy Vinh |
Ngày 20-3-2011 |
Với Thầy Võ Viết Di |
Bữa cơm tối tại nhà Chị Hồng |
Với học trò cũ NK 68-75 |
Ngày 21-3-2011
Với Cô Như Lan (dạy Pháp Văn và Công Dân năm 1972-1974) |
Với Thầy Lê Thanh Nhàn (HT Trường Bán Công BMT) |
Với Thầy Võ Quí Sỹ (dạy Toán) |
Tiệm may của Thầy Sỹ tại Vũng Tàu |
Chúc mừng sức khỏe quí Thầy |
Vũng Tàu 21-3-2011
Với học sinh NK 68-75 |
Ngày 22-3-2011
Tắm biển Vũng Tàu |
Hội ngộ tại nhà Chị Hương (65-72) ngày 23-3-2011
Tôi vừa rời nhà của Nguyễn Thị Hương, Cựu học sinh TH Banmêthuột NK 65-72 về cách đây hơn 1 tiếng đồng hồ.
Chiều nay các bạn có tổ chức một cuộc họp mặt giữa các Thầy dạy cũ và cái đám học trò tuổi ngoài năm mươi cả mà vì vui mừng quá nên cứ lao nhao như một đám học sinh tiểu học.
Ông Trời Sài Gòn lại chơi không điệu chút nào. Mưa phơn phớt từ lúc xế chiều, nhưng đến giữa đoạn đường tới nơi hò hẹn bỗng trời đổ mưa như trút. Giống y như lần trước Thầy Chi về hẹn gặp ở nhà Lâm Dũng NK 68-75.
Sau một chuyến đi dài từ Lộc Ninh sát biên giới Miên về, người bèo nhèo như cái giẻ lau, tôi lại vội vàng tiếp tục lên đường phó hội.
Nhà Cô Hương lại ở xóm nhà giàu bên Phú Mỹ Hưng. Cái điện thoại của tôi lại cùi bắp, gọi hoài nhưng sóng không lọt vô khu vực đó được. Cô Hương cho tôi địa chỉ nhà để tìm đến, nhưng khu vực đó thì có bao giờ mình léo hánh tới đâu? Thì cứ đi đại, đảo tới đảo lui mấy vòng trong khi miệng hát lẩm bẩm : “Nhà em có hoa vàng trước ngõ, Tường thật là cao, có dây leo kín rào…”, nhưng mãi vẫn không thấy có cái nhà nào có hoa vàng trước ngõ cả, cũng không thấy số nhà mà cô ấy đã thông báo. Đi lò mò trong bóng mưa, mắt nhìn dáo dác kiếm một con số nhưng nào thấy đâu? Nếu không có cái hàng rào dọc bờ sông ngăn lại, có lẽ tôi đã mò xuống sông luôn rồi.
Cho tới khi thấy một cái nhà đèn đuốc sáng trưng, người người cười nói xôn xao mới ghé mắt nhìn thử. Hoá ra gia chủ đang đứng trước cửa đón khách. Mừng hết lớn! Chút nữa là đã trễ chuyến đò. Tôi nhăn mặt hỏi gia chủ: Thế cái số 23 mà cô báo cho tôi nó nằm ở đâu vậy? Cô nàng cười hì hì mắt chỉ còn bằng hai cọng chỉ trả lời: - Anh thông cảm, nhà mới làm chưa xong nên chưa kịp gắn bảng hiệu. Chơi ác thiệt!
Bước vô nhà sau khi xù lông cho rớt hết những giọt nước mưa, đầu tiên gia chủ lôi tôi lại gặp Thầy Liễn rồi hỏi Thầy có nhớ ai đây không?
(Cô nầy lại chọn một câu hỏi khó giống như trong chương trình Đấu Trường 100 của VTV3).
Một thằng nhóc “cà chớn” sau hơn 45 năm ai mà nhớ mặt cho nổi? Thầy Liễn hơi ngớ người ra rồi nhăn trán cố nhớ coi cái thằng hơn 60 tuổi đứng trước mặt mình là ai? Cô Hương đành giới thiệu tên tôi. Thế là hai thầy trò ôm nhau rồi những cái vỗ bồm bộp trên lưng đầy vui mừng vang lên. Nhớ rồi! Nhớ rồi! Cái họ rất đặc biệt sao không nhớ tên, chỉ không nhớ người. Chính Thầy và Cô Thuỷ đã ký tặng hắn cuốn Đặc san kỷ niệm 55 năm họp mặt TH BMT gởi về cho đây mà.
Các thầy gồm Thầy Di, Thầy Bùi Dương Chi, Thầy Võ Ngọc Lô cùng phu nhân là Cô Bích Trâm, Thầy Nguyễn Đình Liễn, Thầy Nhàn, Thầy Nguyễn Giõng.
Đám học trò có “cái ca lớn” là tôi, Anh Tưởng và Cô Hương là gia chủ, Anh Ca chồng Cô Thuý chủ nhà in, Lâm Dũng. Các đồng Hoa hậu U60 gồm Hồng B, Nhịn, Lệ Dung, Lệ Hoa, Khen, Minh Ngọc…và một số “kiều nữ” khác mà do mê mẩn ngắm nhìn quá tôi chưa kịp hỏi tên. Về sau lại có thêm mấy Hoa Hậu nữa đến trễ, lạ hoắc nên tôi chẳng biết ai là ai. Tôi lại có một tánh xấu, cứ hễ thấy đàn bà đẹp là đâm ra ngọng nghịu, nói lắp bắp nên không dám hỏi.
Tôi được gia chủ Chị xếp cho ngồi cùng bàn với các Thầy Cô và gia chủ Anh. Còn Lâm Dũng “chủ xị” bàn của các nàng.
Rượu vang được rót ra liên tục trong tiếng cười nói chọc ghẹo rất tưng bừng. Tiếng “DZÔ” cứ vang lên từng hồi. “Hãy uống cạn ly đầy để rót đầy ly cạn”.
Thức ăn thì đa phần là những món đặc sản của xứ Huế: Bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc nhân tôm, bún bò…Riêng Thiền sư Chi vẫn cứ ăn chay…
“Quản nói” của bàn nầy là Thầy Giõng. Thú vị nhất của lần gặp gỡ nầy là đề tài các phu nhân của Thầy Lô, Thầy Nhàn và Thầy Liễn với các chuyện tình thời tuổi trẻ của họ. Đài phát thanh của Úc và của Mỹ thi nhau “lấn sóng”. Những tràng cười sảng khoái cứ rộ lên từng hồi.
Tôi cũng góp tiếng hài tội Thầy Liễn. Hồi đó mỗi năm học trò bị phạt 4 cấm túc phải ở lại lớp. Vậy mà tôi “tao ngộ chiến” với Thầy mấy lần mà lần nào Thầy cũng phát cho tôi 2 cấm túc. Bởi vậy tôi mới lận đận con đường tình duyên với mảnh bằng Tú Tài trễ mất 1 năm. Thầy cười xoà rồi bảo: “Hãy nhìn lại mình đi, là do cậu là một học sinh “ngoan” quá mà, bây giờ đổ thừa ai?
Tội nghiệp cho Thầy Giõng và Thầy Liễn, bị các nàng mè nheo xin tiền lì xì loạn cả lên. Thầy Giõng không có tiền lẻ phải chạy đi mượn của Anh Ca từng 100.000 VND một. Thầy Liễn phải móc bóp cho mỗi đứa học trò 1 USD. Đã hết tiền lẻ nhưng chưa “giáp xóm”. Đến phiên Nhịn thì hết tiền, Thầy Giõng không tin, giằng bóp mà xét. Cuối cùng thì Nhịn “ngon” nhứt. Được một tờ 5 USD.
Chưa từng có cuộc họp mặt nào của những người xưa lại được một không khí thân tình và vui vẻ như vậy.
Ánh đèn flash của mấy cái máy ảnh cứ loé lên liên tục. Thôi thì các “nàng” tha hồ mà tạo dáng người mẫu, miệng thì cứ cười tươi như hoa…
(Mỗi người một vẻ, ai muốn nghĩ là hoa gì thì tuỳ).
Chuyện nổ như bắp rang không ai muốn dứt. Những hẹn hò cho lần gặp tới giữa Thầy và trò được đưa ra rất nhiều.
Thấy đã khuya quá rồi mà khu vực ấy lại vắng, tôi bèn bắt chước mấy anh Ăng Lê, lẳng lặng đánh bài chuồn không dám chào từ giã các Thầy và gia chủ.
Nói một cách văn hoa: “Cám ơn mảnh đất Banmêthuôt nắng bụi mưa bùn đã sản sinh ra những con người sao mà nặng tình với nhau đến thế! Mùi hương thơm ngát của những chùm hoa cà phê trắng muốt chắc vẫn còn lưu lại ít nhiều trong hơi thở của mỗi người đã lớn lên ở đó.
Niềm vui hôm nay chắc sẽ còn in đậm trong tâm trí tôi nhiều năm về sau.
HÙNG BI 23/3/2011
Hàng đứng: Chị Ngọc, Chị Nhịn, Chị Hương, Chị Dung, Phượng (68-75), Chị Hồng (67-74), Chị Anh và Lý Minh (68-75) Hàng ngồi: Cô Trâm, Thầy Lô, Thầy Nhàn và Thầy Liễn |
Anh Ca, thầy Di, Thầy Giõng và anh Hùng |
Thêm L Dũng và Chị Khen |
Tại nhà của chị Nguyễn Minh Ngọc ( 65-72) ngày25-3-2011 |
Với Cô Thưởng ( Em cô Suối Kiết) |
Với Cô Hồng Phượng ( Cùng Thời với Cô Chanh, Cô Thủy) |
Với vợ chồng Cô Hồng Phượng ( tại nhà cô) |
Cô Hồng Phượng và cô Thưởng |
Ngày 25-3-2011
Các cựu hs THBMT đón Thầy thật chu đáo |
Với anh Trần Khang Thụy |
Ngày 26-3-2011
Đón Thầy tại nhà Ng T Phượng (68-75) |
Khi tôi vừa gõ hai chữ Lại Họp, tôi chợt mỉm cười.
Sao nó giống như mấy ông cán bô Nhà Nước ở đây thế, cứ họp hành liên miên. Bởi vì cứ hễ nói tới họp là người ta nghĩ tới chữ Nhậu đi kèm.
Sau khi về đến nhà, quá nhiều sự kiện trong một buổi tối không nhớ hết, hơn nữa thần trí đang trôi đi mất hút, tôi phải đi nằm ngay.
3:30 AM. Đang ngủ ngon lành bỗng dưng nghe khát nước quá, hậu quả của trận nhậu buổi tối khá nhiều phải bò dậy tìm nước uống.
Con chim xanh đưa tin Hồng B hôm qua bị khan tiếng nên mới nhờ thằng con phone nhắn cho tôi mời họp mặt.
- Nhà ai và ở đâu vậy con?
- Dạ, Chú chờ con một chút.
Một chút là 5 phút rồi tôi nghe tiếng gác phone cái rốp. Vậy là không tìm ra miếng giấy ghi địa chỉ rồi. 5 phút sau, phone lại ring và một cái tên lạ hoắc và một địa chỉ được đọc. Nhà Trần Khang Thị ở số 135/12 Nguyễn Tử Vân gần cầu Thị Nghè. Dễ thôi, Sài Gòn nằm trong lòng bàn tay tôi mà.
Chiều nay thì Ông Trời chơi điệu rồi. Không sáng sủa cho lắm bởi những trận mưa sớm vẫn còn chực chờ trên vùng trời Nam Bộ theo như Dự báo thời tiết của Nhà đài. Mặc một trong những bộ đồ “ăn nói” tôi đẩy xe ra khỏi nhà. Trong cơn gió xuân mát dịu, vừa chạy xe trên đường tôi vừa lẩm nhẩm: “Hôm nay, trời xuân bao tươi thắm…” khác với bài hát hôm trước.
Giờ cao điểm chiều của Sài Gòn thì xe đông nghịt, tới ngã tư phải nhích từng centimét một. Chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông, đèn vàng vừa bật lên là tôi lo thắng lại. Xe vừa dừng thì bỗng nhiên mình bị đẩy mạnh lên phía trước do một cú va chạm từ phía sau. Nhíu mày quay lại định xổ nho với cái thằng mắc dịch nào đó, nhưng một nụ cười tươi như hoa gật đầu xin lỗi kèm theo cặp đùi trắng hếu của một cô thiếu nữ làm cơn giận của tôi bốc hơi ngay lập tức. Vén môi lên cười ruồi đáp lễ một phát rồi quay lên tỉnh bơ, coi như chưa hể có chuyện gì xảy ra.
Len lỏi mãi trong dòng xe cộ đông nghịt hơn một tiếng đồng hồ tôi cũng tới khu vực gần cầu Thị Nghè. Đảo tới đảo lui sao không thấy cái tên đường được nghe thông báo? Đành ghé vô lề hỏi một anh xe ôm. Anh ta cười khì một tiếng rồi trả lời:
- Ở đây chỉ có đường Nguyễn Cửu Vân thôi chú ơi!
Dân Sài Gòn cố cựu mà phải đi hỏi thăm đường thì hơi “quê” à nhe. Vòng lại thì cái bảng chỉ tên đường nằm chình ình ngay ngã ba, hồi nãy lướt qua đã có thấy nhưng tôi cứ nghĩ giống như khu vực Gò Vấp, từ xa lộ Đại Hàn, vượt qua cầu Trường Đai chạy xuống gặp một ngã ba có hai đường mang tên Lê Văn Thọ và Lê Đức Thọ gặp nhau. Do sự trùng tên và trùng họ mà một lần tôi đã đi lạc đường. Không biết thằng cha mắc dịch nào lại có cái ý nghĩ hay ho đặt tên đường tương đồng sát nhau như vậy.
Số nhà thì tôi đã ghi vào bộ nhớ của mình rồi, nhưng do cái sự bực mình nên lú lẫn. Rõ ràng một cái địa chỉ “suyệt” thì phải rẽ vào một con đường nhỏ khác nữa. Tôi chạy đến số 12 thì kế bên là một cái nhà to đùng, sai rồi. Thế là ta áp dụng toán học: Định lý đảo. Chạy tới số nhà 135 thì có con đường nhỏ. Chắc chắn không sai. Tới trước số nhà 12 thì tôi chạm trán với một cái cổng bề thế của một toà lâu đài. Cửa đóng then cài nên không thấy ánh đèn và tiếng người tụ họp vọng ra. Ngần ngại một chút rồi cũng phải bấm chuông. Gia chủ Chị mở cổng, một khuôn mặt lạ hoắc. May nhờ có tiếng Thầy Chi đang nói oang oang trong nhà vọng ra nên mới biết mình gõ đúng cửa.
Thuỵ bước ra đón. Vậy là gặp lại cố nhân chớ đâu phải ai xa lạ. Một điều đặc biệt đập vào mắt tôi ngay là hai bên vuông sân trước nhà, Thuỵ cũng trồng ít cây kiểng cho tươi mắt, nhưng bên trái lại có 3 cây cau và bên phải có 1. Hương vị làng quê Việt Nam trong ca dao đã được Thuỵ đưa vào sân nhà mình trong chốn phồn hoa đô hội nầy. Tôi biết Thuỵ sinh ra ở Banmêthuột và trưởng thành làm việc ở Sài Gòn, nhưng cái gien di truyền từ Thầy Thuỳ đã thấm sâu chất văn minh đồng bằng Bắc Bộ vào tâm hồn cậu con trai của mình.
“Đi đâu cũng nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”.
Bước vào nhà thì Cô Trang, Thầy Chi đã tới và đã ngồi vào bàn cùng với vợ chồng Chị Hồng Phượng và Lý rồi. Choáng ngợp. Trên cái bàn oval thật lớn và một cái bàn nhỏ hơn đã bày biện sẵn những dao nĩa như Tây. Một lát sau thì Thầy Liễn, vợ chồng Thầy Lô, Hồng B, Nhịn, Lệ Dung, Ca và một số kiều nữ lớp sau cũng lục tục tới, tât nhiên là không thể thiếu anh phó nhòm Lâm Dũng rồi.
Đúng theo tác phong của người nước ngoài, gia chủ dọn thức ăn nhập tiệc ngay. Thiền sư Chi vẫn cứ…ăn chay. Thấy tôi cười ruồi, chắc Thầy Chi đã liên tưởng tới bài viết vừa rồi. Thầy cười cười rồi bảo: Cám ơn cậu đặt cho tôi cái tên Thiền sư và đã loan đi tứ phương, may mà cậu không gọi tôi là Sư Hổ Mang…Nhưng bữa nay không được viết kể lại những câu chuyện tương đối nhạy cảm à nghe. Một tràng cười rộ lên. Nhưng cuối cùng thì cũng đâu có thoát vì tôi sẽ kể lại dưới đây.
Quá nhiều khách lạ người nữ ngồi chung bàn nên nội dung những câu chuyện bày ra trên bàn trong tiếng cười nói xôn xao cũng phải theo một hướng khác. Hỏi thăm tên tuổi của những học trò xa cách đã bao nhiêu năm, giờ gặp lại thì ai cũng đẹp nên nhìn không ra. Tựu trung cũng là nhắc lại những chuyện ngày xưa và kể tội mấy Thầy cho vui. Thuỵ nhắc lại Hội Xuân năm 1971, lớp quậy quá nên bị Thầy Chi đuổi cổ mấy tay đầu sỏ ra khỏi Hội Xuân. Cả lớp phản ứng lại, rút hết xuống Thác Nhà Đèn sau cây cờ vẽ sọ người với hai xương bắt chéo. Tự nhiên sân trường trống một khoảng thấy kỳ kỳ, cuối cùng chính Thầy Chi phải chạy theo năn nỉ ở lại.
Tôi chỉ tiếc là hai lần gặp mặt sau nầy, Thầy Lô có cô Bích Trâm đi kèm nên chớ có dám phát biểu những ý kiến khôi hài rất vui như lần gặp mặt ở nhà Lâm Dũng tháng 9 năm ngoái khi Thầy Chi về.
Mỗi lần gặp mặt lại có một hương vị khác nhau. Điểm nhấn của lần gặp gỡ nầy xuất phát từ Thanh Xuân. Khởi đầu do Thầy Chi nói là nhớ cô nầy hát bài gì hay lắm mà giờ quên tên. Guantanamera! Thanh Xuân bật lên. Cô đọc vài câu thơ không biết của ai rồi lấy hai cái muỗng bắt đầu gõ nhịp để hát. Thuỵ đưa ra một cây đàn guitar thùng để đệm theo. Một giọng hát khoẻ và mượt mà với những giọng rung cuối câu đậm chất Mỹ La Tinh khiến không khí bàn tiệc dường như chuyển sang một hướng mới. Dứt bài hát trong tiếng vỗ tay tán thưởng của mọi người tôi nói:
- Giá như cô mặc một chiếc váy hoa của di-gan thì quá sức tuyệt vời!
Thầy Liễn thì như một lão nông thật thà, nụ cười luôn nở trên môi. Ai nói gì Thầy cũng cười. Bao nhiêu câu hỏi dồn về làm Thầy trả lời không xiết. Nhìn dáng dấp càng già càng nhỏ lại của Thầy với nét mặt hồn hậu, dưng không trong đầu tôi bật ra câu hỏi: “Sao ngày xưa mình sợ cái người đàn ông nhỏ thó kia thế nhỉ?” Câu trả lời là nỗi buồn cho một con người đã bỏ hết đời mình chăm lo giềng mối quy củ trong trường học, và để đáp lại là lòng thương mến của cô cậu học sinh chỉ đến với Thầy khi tuổi đã xế chiều.
Câu chuyện lại mở sang hướng khác. Mọi người bắt đầu chọc Thầy Chi về chuyện tình với cô Diana. Thuỵ lại nói hồi xưa có chuyện Tuấn chàng trai nước Việt của Nguyễn Vỹ, bây giờ lại có Chi chàng trai nước Việt, mà lại vớ ngay cô cháu gái của Đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge mới ngon chứ! Tôi mới nhắc lại chuyện xưa là khi Cô Diana đi vắng, mỗi ngày Thầy đều viết một câu nhung nhớ nhét vào giày của Cô. Thầy nói trớ qua việc khi Cô đi về Mỹ hay gởi carte postal qua cho Thầy, nhưng viết tháu theo kiểu người Mỹ nên Bưu Điện không biết viết cái gì nên tra gạn Thầy. Tôi không chịu nên nhắc lại câu hỏi. Thầy có vẻ ngần ngừ thì Chị Hồng Phượng tố thêm: Hùng nó nói đúng đó. Dường như gương mặt của ông lão đỏ lên một chút, không biết vì men rượu vang hay có chút ngượng ngùng. Khi không những kỷ niệm thời trai trẻ ùa về dậy hương làm chàng trai già ngửa ra lưng ghế với ánh mắt mơ màng.
“Em thích được ngồi với chàng trong ánh nến cơ” |
“Có ngay! Có ngay!” Thuỵ lấy một chân nến 3 ngọn thắp lên và tắt đèn trong phòng. Một không gian Châu Âu bỗng dưng rơi xuống Việt Nam trong một buổi họp mặt Thầy trò. Tiếng guitar thùng lại bập bùng cất lên. Thanh Xuân, Thuỵ và hai bạn trai lại hát bè những bài hát du ca làm thành một đêm đặc biệt thú vị.
Niềm hứng khởi lan khắp mọi người. Rượu lại được tiếp tục rót ra, hết mấy chai rượu vang rồi đến rượu mạnh, cuối cùng là một chai Martell cũng được mở nắp. Nhìn màu hổ phách thơm ngát lung linh trong ly, tôi như gặp lại cố nhân nên uống hơi nhiều. Lúc tàn tiệc đứng lên thì đất trời như chao đảo, dắt xe ra không muốn nổi.
Lúc nào những buổi họp mặt Thầy trò cũng đầy niềm vui, nhưng mỗi lần nó lại theo một cung bậc khác nhau. Câu kết luận của bài viết vừa rồi vẫn không sai.
Trên đường về tôi đi trong không gian mát dịu của buổi tối mùa xuân như một kẻ mộng du vì nhiều thứ men rượu trong người. Trời bỗng dưng rơi xuống những giọt mưa, nhưng may là chỉ những giọt ngắn không có giọt dài nhưng cũng làm lành lạnh.
Tôi khó chịu ngước mắt nhìn trời thì tưởng tượng thấy ngay một ông già trên cao nheo mắt như thầm bảo: “Trời không hại người ngay, nhưng cũng chẳng hại kẻ gian bao giờ”.
Kẻ gian đây chắc là tôi, một thằng học trò láu cá mà tóc đã điểm sương vẫn chưa bỏ tật.
Tiếng gà đã gáy từ lâu bên kia nhà hàng xóm. Đã sáng rồi sao? Một ngày mới lại bắt đầu cho tất cả chúng ta. Rất nhiều việc và rất nhiều niềm vui mới đang chờ chúng ta đấy.
6:05 AM 27/3/2011
HÙNG BI (60-68)
Thầy Liễn với đồng nghiệp và học trò |
Hàng đứng : Mộc, Tuyền (68-75), Dung, Nhịn (65-72), Thụy(66-73), Hồng(67-74) Hàng ngồi : Thầy Liễn, Thầy Chi, A Kính (Cô Phượng), Thầy Lô cô Trâm |
Thêm Vũ Lan Ngồi giữa,đeo kính, Bà xã Lê Nguyên Hòa, Hiền (66-73) |
Cô Trang, Cô Hồng Phượng với học trò cũ |
Tuyền, Thanh Xuân, Ng Đình Hiếu, Lê Nguyên Lý |
Thêm Lê Nguyên Hòa (66-73) áo tim |
Trở lại nhà Hồng B 27-3-2011
Với chị Thơm, Kim Oanh (67-74) |
Chị Thơm (67-74) và những người đẹp đã từng biết |
Nhân dịp này, chị Kim Oanh ( Úc) gửi Thầy Sỹ cuốn album nhạc do chính chị hát,Sẽ có dịp giới thiệu tiếng hát của chi và chính con gái chị đệm dương cầm trên trang này |
Thăm mộ Thầy trần Đắc Hiền 29-3-2011
Thầy, Cô Thưởng, Hòa Dũng thăm mộ Thầy Hiền |
Viếng mộ Thầy Hiền |
Chân dung Quan Tể Tướng vi hành |
Cháu nội và cháu ngoại Thầy Hiền |
Trước cửa nhà Thầy Hiền |
Với chị Mùi (Tokyo) và con gái trong tiệm Phở 24 |
Ngày 31-3-2011
Với Chị Lệ, Chị Minh, Chị Mai (61-67) và Chồng Chị Mai |
Với Anh Đức Phú ( 60-67) và Chị Lệ |
Anh Đức Phú và Thầy Tại quán ven sông Saigon |
2 nhận xét:
Cảm ơn các anh chị đã cập nhật tin tức liên tục để tất cả ACE THBMT luôn được biết tin tức của các thầy cô cùng các bạn hữu của mình
Anh xin cam on Quy ACE da cap nhut duoc hinh anh va sinh hoat cua Gia-dinh CHS/BMT. A.Lac xin de nghi Quy ACE nen hinh thanh mot buoi "HOI-NGO 60 Nam Gia-dinh TH/BMT" thi hay biet may. A san sang ung ho Quy ACE trong cong viec nay. Hy vong 2015 se thanh hinh. Mong lam thay .
Pham-cong-Lac
(58-65)
Đăng nhận xét