Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2018

GHI CHÉP VỀ BUỔI HỌP MẶT CHS TH/ BANMÊTHUỘT CHIỀU NGÀY 18/8/2018


Đã lâu lắm rồi, mớ chữ nghĩa tôi tiếp thu được ở một ngôi trường không có dịp để kể lể về những điều vây quanh nó mà chủ yếu là tình cảm đã có với nhau giữa những con người đã từng ngồi chung dưới mái trường ấy suốt cả tuổi thanh xuân.
Tình cờ sáng nay, qua Lê Thị Xuân Mai (65-72) và Nguyễn Thị Hồng Trang gởi lời mời nhắn của Hồng B mới biết được 18:00 chiều nay sẽ có cuộc họp mặt của các CHS TH/BMT tiễn đưa Thầy Võ Ngọc Lô và Cô Kim Trâm trở về Mỹ, đồng thời chào mừng Thầy Cao Bính mới về Việt Nam.
Đã khá lâu không có dịp gặp gỡ các đồng môn, nếu chiều nay trời không mưa, nhất định tôi sẽ tới.
16:30 những giọt mưa ngâu tháng bảy bỗng dạt dào đổ xuống không ngớt. Tôi đi tới đi lui, ngước mắt nhìn trời rồi nghĩ cứ mưa kiểu nầy thì...thua!
17:10 tôi quyết định mặc quần áo, đội áo mưa chạy xuyên 20 cây số để tới cuộc họp mặt vì không mấy khi có dịp gặp gỡ thầy cô và các bạn.
Tôi vẫn giữ tập tính đúng giờ được hun đúc từ tác phong người lính.
Trời vẫn mưa hạt to hạt nhỏ, giờ tan tầm thì xe cộ mịt mùng chạy vù vù bắn tung toé những vũng nước đọng trên mặt đường hầu cho kịp những bổn phận đang chờ họ.
Tôi vừa chạy vừa ngẫm nghĩ mà chê cái anh chàng Ngưu Lang. Tệ quá! Chẳng biết nghệ thuật dỗ dành phụ nữ.
Dỗ cách chi mà Chức Nữ vẫn khóc sướt mướt đã 8 ngày nay rồi. Chắc có lẽ vẫn còn là một anh chăn trâu khờ thời cổ đại nên...vẫn cứ khờ.
Phải tay tôi á! Chỉ cần nắm tay hôn nhẹ lên má nàng một phát là chấm dứt ngay cơn thuỷ triều thánh thót và mặt mày cứ tươi hơn hớn như huê ngay.
Chạy tới gần vòng xoay đầu cầu Phan Thanh Giản, tôi vén áo mưa nhìn đồng hồ.
17:50. Rất sát thời gian hẹn. OK!
Vì vẫn còn phải trùm áo mưa không quan sát kỹ, tới đầu đường Nguyễn Cửu Vân bị chạy lố qua luôn. Quay đầu lại trong dòng xe nhộn nhịp hơi cực một chút nhưng rồi cũng xong.
Đưa xe vào bãi gởi ở nhà hàng Moji xong thì muộn mất 10 phút. Một khoảng thời gian trễ chấp nhận được cho những cuộc hẹn.
Vẫn là anh chàng Trần Khang Thuỵ trưởng Ban Liên Lạc Cựu học sinh Trung Học Banmêthuột Sài gòn đứng đón khách.
Sau nụ cười và cái bắt tay vồn vã, Thuỵ mời tôi vào.
- Để anh đứng ngoài cửa hút điếu thuốc cho ấm vì đi ngoài mưa hơi lạnh.
- Anh cứ vào trong đi, em có để sẵn cái gạt tàn thuốc trên bàn đó.
Úi chà! Anh chàng nầy chu toàn công việc đến từng chi tiết nhỏ.
Rồi Thầy Võ Quý Sỹ cùng với Thầy Bình của lứa sau tới.
Tôi bước lại chào hỏi quý Thầy.
Nấn ná ở đó một chút thì tay phó nhòm của các cuộc họp mặt Lâm Dũng xuất hiện. Chúng tôi lại "chia lửa" cho điếu thuốc thứ nhì.
Cũng đã khá trễ so với giờ hẹn nên Thuỵ mời tất cả lên lầu hai chuẩn bị sắp xếp chỗ ngồi.
Đã có mặt Cô Minh Hưng, Cô Mười, Cô Hoà, Cô Hồng Phượng, Cô Thưởng chờ sẵn. Thầy Lô, Cô Kim Trâm, Thầy Cao Bính vẫn chưa hiện diện.
Lầu hai của một nhà hàng mini & cà phê trong một đường phố ngách quả là chật hẹp cho một cuộc họp mặt đông người. Một dãy bàn ghép với những chiếc ghế sắp sát lại với nhau kèm thêm một phòng phụ nhỏ kề bên thật bất tiện cho những cuộc chuyện trò nổ như bắp rang giữa những học trò già nhiều thế hệ hội tụ từ nhiều hướng lâu lâu mới được gặp nhau.
Rồi Thầy Lô, Cô Kim Trâm và Thầy Cao Bính cũng xuất hiện.
Đứng kẹt giữa hàng ghế, tôi cúi đầu chào nhưng Thầy Lô ngoắc lại gần vỗ vai:
- Chà! Có cả "nhà văn" Hùng Kiều nữa đây!
- Sao qua Mỹ mấy năm rồi mà bơ sữa không làm Thầy mập lên thêm xí nào nữa vậy Thầy?
- Bị suy dinh dưỡng từ nhỏ rồi!
Câu trả lời đi theo miệng cười tươi tắn.
- Chào "nhà thơ"
Câu chào quen thuộc của Cô Kim Trâm bay qua mặt bàn. Nhộn nhịp quá nên tôi chẳng thể nào cải chính cho cái danh xưng to tát ấy. Riêng Thầy Cao Bính vỗ vai nói một câu đơn giản sau khi tôi bắt tay cúi đầu chào Thầy:
- Viết hay lắm!
Tôi hỏi thăm Cô Minh Hưng sao Thầy Vĩnh không thấy có mặt thì được trả lời là Thầy đang bận công việc trên Banmêthuột không về được.
Thật là cực cho Thuỵ và Hồng B trong việc sắp xếp chỗ ngồi cho phù hợp vì khách vẫn lần lượt có mặt nằm ngoài số lượng dự trù quá xa.
Thoạt đầu, tôi được sắp ngồi cạnh ca sĩ Xuân Phú (anh Nguyễn Đức Phú 58-65), xịch tới xịch lui chúng tôi lại được di dời qua bàn phụ để chỗ cho quý bà ngồi chung cho dễ chuyện trò.
Tranh thủ trong lúc chưa vào tiệc, các học trò đã chụp những bức ảnh kỷ niệm với Thầy Cô và các bạn với nhau.
Để tôi làm thầy bói mà đoán suy nghĩ của Thầy Cô cái coi. Chắc Thầy Cô rất cảm động với sự họp mặt chúc mừng của đám học trò cũ mà có người tuổi đã ngoài thất thập. Bây giờ một lần còn được thấy mặt nhau là một lần đáng quý vì ngày sau biết có còn được trông thấy nhau?
Số lượng khách tham dự được Hồng B báo cho Thuỵ khoảng hai mươi người trong một cuộc họp mặt ấm cúng. Thuỵ đã đặt thêm sáu xuất dự phòng với nhà hàng. Không ngờ cuối cùng con số đã đội lên hơn năm mươi. Có lẽ cũng bị ảnh hưởng theo xu thế bị đội kinh phí các công trình xây dựng của nhà nước thời bây giờ chăng?
Không những gây ra sự lúng túng cho những người tổ chức mà lây sang cả nhà hàng. Mãi gần 19:00 giờ Thuỵ mới cố gắng ổn định chỗ ngồi cho mọi người để có vài lời với Quý Thầy Cô và các bạn về mục đích của buổi họp mặt.
Rồi thì đâu cũng vào đấy!
Hai mươi sáu suất ăn đặt trước đã dọn lên hơn hai mươi phút bên bàn dài mà nhà hàng vẫn còn loay hoay trong việc bày chén dĩa cho phía bàn phụ. Chúng tôi đành ngồi uống rượu khan với nhau. Nam thì rượu whisky, nữ thì rượu vang. Lâu đến nổi đã hết số lượng dự trù nên Thuỵ phải điều Phan Gia Tiến chạy về nhà lấy thêm bốn chai whisky nữa. Thuỵ cứ dứ dứ ngón tay về phía Hồng B:
- Tại cô cả đấy!
Tôi cười:
- Có vậy mới thấy cái tình quý trọng lẫn nhau. Nhiều người không có trong danh sách khách mời, nhưng được tin họ vẫn tới. Tốt thôi mà!
Hoàn cảnh hiện tại khiến tôi nhớ một lần đi ăn đám giỗ trên Bến Thế Bình Dương. Trong khi chờ tàn nhang để nhập tiệc, gia chủ dọn ra vài món làm từ lòng gà lòng vịt để quý vị nam nhân lai rai với rượu đế chuyện trò. Trời đất ơi! Phải hết ba tuần nhang mới xong lễ cúng. Thử tưởng tượng coi, với cái bụng trống mà phải vui đùa với rượu đế lòng gà trong khoảng thời gian dài như vậy thì còn mấy ai tỉnh táo để nhập tiệc? Lần đó tôi đã say khướt trước khi nghe lời mời của gia chủ.
Lần nầy thì sau khi xuống đất hai lần để hút thuốc, tôi thấy trời đất đã quay cuồng, men rượu mạnh đã dậy lên bão tố trong đầu nên tôi nghĩ mình nên sớm ra về vì không thể để thuyền chìm tại bến vì đường về nhà còn quá xa xôi mà trời lại mưa.
Những tay bắt mặt mừng, những lời chúc lành cũng đã đủ. Và bây giờ chỉ còn nhiệm vụ của hai hàm răng nên tôi nghĩ gặp gỡ bao nhiêu đó cũng vừa.
Vui nhất là được còn thấy Thầy Cô khoẻ mạnh, các bạn học nhiều thế hệ vừa lạ vừa quen chỉ biết tiếng mà chưa biết mặt hôm nay mới diện kiến lần đầu.
Có một độc giả nữ lạ hoắc đến gần buông câu hỏi:
- Em đã đọc nhiều bài viết của anh về đất Banmêthuột, trong đó có nhắc đến đường Tôn Thất Thuyết nơi em đã ở. Không biết anh có vướng víu chút gì trên con đường đó không?
Tôi né tránh bằng một tiếng cười để thay thế câu trả lời thầm trong đầu:
- Ngu sao nói?
Tôi hay chọn giải pháp ra về trước mọi người trong các buổi họp mặt vì không thích cái không khí bịn rịn chẳng muốn rời xa.
Tuy trong đầu còn chếnh choáng hơi men, nhưng trời đã tạnh ráo nên dù đường phố đông đúc cũng không vấn đề gì.
Có lẽ anh chàng Ngưu Lang đang ở trên sông Ngân đã nghe theo lời xúi biểu của tôi rồi chăng?
HÙNG BI
(8/2018)



TRONG DÒNG NƯỚC CŨ


Người ta hay nói một cách văn hoa: "Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông", nhất là đối với những dòng nước chỉ chảy xuôi một chiều như con suối.
Đó như một chân lý và được mọi người công nhận.
Nhưng tôi thì cứ cãi như đã viết trong bài Níu tay kỷ niệm: "Trước đây tôi vẫn không tin như thế và đã chống chế rằng con sông còn có nước lớn nước ròng mà! Biết đâu dòng nước cũ sẽ quay trở lại tuy rằng đã bị pha trộn ít nhiều. Nhưng với những con suối chỉ một chiều xuôi chảy thì phép mầu nào có thể khiến dòng nước cũ trở về? Hiện tôi đang đứng trước dòng nước bạc đang ầm ào tung bọt trắng xoá, tâm hồn tôi lại hoàn toàn không tin vào hiện tượng vật lý ấy. Dòng nước cũ đã tái sinh theo luật tuần hoàn của tự nhiên, giờ đây chúng đang quay trở lại đưa tay vẫy gọi tôi trầm mình xuống đùa vui với chúng như ngày nào của hơn bốn mươi năm trước..."
Vâng! Hiện tôi đang mặc chiếc áo xanh của tuổi học trò trường Trung học Banmêthuột ngồi trước thầy tôi và trong tâm khảm tôi tưởng mình vẫn còn là một cậu học trò trong những ngày tháng cũ, đang ngồi trên băng ghế học trò ngước mắt nhìn lên bảng, vẫn nghe tiếng thầy như hơn nửa thế kỷ trước. Chàng thanh niên trai trẻ năm nào đã trải qua một buổi loạn ly mà vẫn còn có được cái diễm phúc ấy thì chẳng còn gì có thể sánh bằng!
Tôi đang có cái hạnh phúc là được đắm mình trong dòng nước cũ các bạn ạ!
Sáng hôm qua trong lúc đang nằm trên giường chữa bệnh, chợt Lệ Dung gọi tới rủ sáng nay 8:00 đến quán Cỏ May uống cà phê với Thầy Lô và Cô Trâm cho vui. Đồng ý ngay!
Đã từ chối lời mời của Các-cô-em-nhỏ vài lần vì thời gian không cho phép nên bị nhằng nhịt quá chừng nên...tởn rồi!
Nếu tin vào sự tính toán thời gian phải mất khi đi đến chỗ hẹn thì lúc nào cũng...trật lất!
Đường phố Sàigòn thì không nở ra mà lượng xe cộ mỗi ngày được bổ sung thêm nhiều nên tốt hơn hết là ráng đi sớm một chút...cho nó lành!
7:45, tôi có mặt trước quán cà phê Cỏ May đường Hồ Biểu Chánh hút thuốc ngồi chờ.
Có tiếng kêu từ trên cao vọng xuống, ngước mắt lên thì thấy chàng Lâm Dũng đưa tay ngoắc.
Bước lên một cầu thang đá vòng vèo cách điệu nằm kế bên một khoảng tường cao dán đá chẻ phủ đầy những dây hoa Tigôn.
Cây lá hoa hoè một quán cà phê sân vườn nằm sâu trong một con hẻm mới được tưới tắm đem lại cảm giác mát mẻ.
Chỉ như một buổi cà phê sáng với bạn bè nên không khí rất thân tình và nhẹ nhỏm.
Nhóm nhỏ gồm tôi, Lệ Dung, Nguyễn Thị Hương, Minh Ngọc (65-72), Trần Việt Dũng một "boy scout" ngày xưa, Lâm Dũng, Kim Thuỷ (68-75), Minh Tiến...hú nhau mời Thầy Lô và Cô Kim Trâm một buổi cà phê kèm ăn sáng cho vui.
Trong lúc chờ mọi người, Việt Dũng nhắc tôi viết cho đúng tên gọi của xóm bạn di cư của tôi ở khu vực piscine. Tôi gật gù ngồi nghe, nhưng tôi sẽ chẳng bao giờ gọt nắn lại kỷ niệm của mình đâu!
Mọi người cứ lần lượt tới đủ mặt vì tất cả đã ở tuổi xế chiều, ít còn bị ràng buộc vì công việc mưu sinh.
Tôi đề nghị chụp hình với Thầy Cô kỷ niệm trước khi thức ăn được mang lên bởi tôi không thích nhìn những bức ảnh với những đĩa thức ăn đầy ngụn trông có vẻ phàm tục quá!
Cuối cùng thì con chim sơn ca H-p Phượng (68-75) bận bay đi kiếm mồi buổi sáng cũng xuất hiện. Nàng nầy cứ bận bịu với những bức ảnh ghi lại tuổi "xuân thì muộn", sợ tuổi già đang đứng đợi ngoài đầu ngõ nên cố gắng ghi lại những hình ảnh hỏi tuổi-có-còn-xuân?
Nàng Hương hơi điệu điệu một chút khi nói:
- Em không dám chụp hình chung với cô đâu, vì cô trông còn đẹp hơn em.
Tôi đốp liền:
- Vậy chụp chung với anh thì...chắc cú nè!
Nàng trề môi:
- Xì! Còn lâu!
Chiều qua trời không mưa nên nắng sớm hôm nay nhẹ nhàng và trong trẻo. Những con chim sẻ đã rủ những con bướm vàng bay đi chơi đâu mất. Bù lại, bầy cá Koi dưới hồ bơi lội thảnh thơi trong tiếng nhạc nhè nhẹ làm không gian thêm chút sắc màu vui tươi. Quanh bờ hồ đặt những chậu hồng nho nhỏ màu vàng, cạnh ban công những đoá hồng tươi thắm đang hồi nở rộ làm sáng thêm không gian như muốn góp chung niềm vui.
Người Banmêthuột gặp nhau nói cười vẫn là những câu chuyện xoay quanh mảnh đất, con người và mái trường Trung học Banmêthuột. Có những giai thoại, những câu chuyện bây giờ mới kể làm tất cả nở những nụ cười sảng khoái.
Thầy thì kể chuyện cho đám học trò con trai, còn Cô thì trao đổi những câu chuyện phụ nữ với đám học trò con gái.
Trong thâm tâm, Thầy vẫn tiếc là có một mơ ước muốn xoay cổng chính của trường một là về phía đường Hùng Vương, hai là về phía đường Nguyễn Công Trứ để hình dạng tổng thể của trường cho nó tề chỉnh hơn chớ cứ để như cũ trông có vẻ nghiêng nghiêng theo thế đất mất hay.
Nhưng em không chịu đâu!
Nó cứ nghiêng nghiêng như rứa mới sản sinh ra những thằng học trò hơi "trật bài vị" như em cho đời nó vui chớ!
Bao nhiêu đứa học trò cũ đã làm nên "tai tiếng" khắp thế giới rồi còn gì?
Thầy kể về mối tình của Thầy Võ Quý Sỹ làm mấy thằng học trò con trai cười thoả chí.
Cô thì kể về một giai thoại của Ngài hiệu trưởng Lê Văn Tùng. Ai cũng biết tánh tình của Thầy Tùng ưa nói chuyện thẳng đuột.
Cô sinh bảy đứa con. Một lần vừa ra tháng, người mập mạp trắng trẻo, tròn trịa. Tình cờ Thầy Tùng tới chơi gặp cô bèn hỏi:
- Sao dạo ni mi tròn trịa rứa?
- Dạ em có mang.
- Hồi nào?
- Dạ mới hôm qua.
Lần khác nuôi con được mấy tháng, lo chăm con nên người gầy mòn.
- Sao dạo ni mi gầy gò rứa?
- Dạ em cấn bầu.
- Hồi nào?
- Dạ mới hôm qua.
Những câu trả lời cũng thẳng đuột của cô học trò tinh quái làm Thầy Tùng...hết ý kiến!
Đó là niềm vui chung của những người cùng thời với nhau và nó là của-chúng-tôi chứ không phải là niềm-vui-vay-mượn.
Không khí thân tình, ấm áp như người trong nhà.
Thời thế đã đổi thay. Kệ!
Đồng tiền làm con người đổi thay. Kệ!
Danh vọng cũng làm người thay đổi. Kệ!
Hoàn cảnh thực tế đã khiến những ngày xưa thân ái phải cách nhau nửa quả địa cầu. Kệ!
Những đổi thay ấy là có thực, nhưng xin nhớ cho rằng đây là cõi phù sinh.
Tôi ngồi đây trong tâm thức của một đứa học trò cùng những đồng môn với tôi trước mặt người thầy giáo. Những chòm mây trắng lững lờ bay trên đầu chúng tôi là những chòm mây cũ của mảnh đất Banmêthuột đang bay về họp mặt.
Một buổi sáng vui.
HÙNG BI
(8/2018)







Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

GHI CHÉP NGẮN VỀ BUỔI RA MẮT THƠ CỦA CÔ MINH HƯNG

Văn chương đã bay hết về phía nữ mà bỏ mặc tôi lại giữa chốn trần gian. Thôi thì tôi cũng ghi chép lại vài dòng nôm na để góp vui với các bạn về buổi ra mắt tập thơ MONG MANH THU VÀNG của Cô MINH HƯNG vậy!