Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

GHI CHÉP BUỔI HỌP MẶT CHS TH/BMT NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 TẠI SÀI GÒN

Bây giờ là cuối tháng 10 âm lịch. Những cơn mưa bất chợt ồn ả buổi sáng hầu như đã vắng bóng sau khi Nàng mưa đã trút gần hết bầu tâm sự của nàng qua hai cơn bão số 5 và số 6 vừa qua. Thi thoảng chỉ còn vài cơn mưa lác đác buổi chiều như nhắc nhở mọi người hãy nhớ về nàng khi sắp từ giã.
Trước hết, xin các bạn bỏ lỗi cho vì bài viết chậm xuất hiện bởi một lý do tuy đơn giản nhưng cũng hơi phức tạp: Mùa Cưới!
Thôi thì hết cưới trong lại đến cưới ngoài, những mặt trận cứ được mở ra liên tục làm…ná thở luôn! Cưới trong là của đám con cháu, phải phụ giúp Cha Mẹ chúng những sự vụ nhiêu khê, còn cưới ngoài là của con bạn bè, người quen nên ít còn thời gian trống để viết bài cho kịp đúng thời điểm.
Buổi sáng Chủ Nhật bầu trời mới đẹp làm sao! Xanh thăm thẳm mà êm đềm với con nắng mai dịu dàng. Giá như tôi đang dong xe trên xứ Bụi Mù Trời chắc thể nào cũng được trông thấy vài con bướm vàng bay lượn lờ bên những khóm hoa hay nghe con chim nó hót đâu đó trên cành, nhưng ở đây chỉ có phố xá và người xe nên chẳng thể nào có được. Trong tâm trạng nhẹ nhõm và phơi phới như đang đi tới một giờ ra chơi nào đó trong ký ức, tôi biết là mình sẽ gặp lại những khuôn mặt cũ có quen có lạ của Thầy Cô và các bạn đã cùng ngồi dưới một mái trường. Tôi nghĩ dù là người quen cũ, nhưng biết đâu sự xa cách trong nhiều năm chưa chắc mình đã nhớ hết họ. Điều gì chưa chắc chắn thường gây trong lòng ta một nỗi lo âu mơ hồ. Mà tôi cũng chẳng biết mình lo âu vì nỗi gì?
Những dòng chữ sau đây chưa hẳnlà một bài tường thuật, chỉ là một bài ghi chép lại những sinh hoạt trong buổi sáng hôm nay mà còn chen lẫn vào những suy nghĩ riêng tư của cá nhân tôi đối với mối liên hệ tràn đầy tình thân. Có dễ gì tìm lại thời tuổi trẻ của mình trong dòng chảy cuồn cuộn nhiều trắc trở của cuộc sống?
Đã rất lâu rồi tôi thôi tham gia sinh hoạt với Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh TH/BMT vì chuyện mưu sinh của mình nên không nhận được Thư mời gởi tới mà chỉ trông thấy nó khi tình cờ đăng bài viết về buổi họp mặt chào mừng Thầy Chung Phước Khánh trên blog của Trường nên mới biết thôi.
Trong quá khứ đã rất nhiều lần tôi tham gia những buổi họp mặt CHS, nhưng địa điểm lại hay thay đổi cứ như… bị đuổi chợ! Khi thì trong công viên Tao Đàn (nhờ có một bạn có quầy hoa kiểng trong đó. Theo tôi, lần đó đông đúc nhất và tôi đã được gặp lại rất nhiều bạn cùng lớp. Nhưng bây giờ do nhiều hoàn cảnh khác nhau họ đã từ bỏ chúng ta mất rồi!), khi thì ở quán Gà đi bộ của Anh Phú ở gần cầu Phan Thanh Giản (địa điểm nầy được tổ chức lâu nhất cho đến khi anh Phú…dọn vô hẻm), khi thì ở Nhà hàng Biển Đông đường Lê Hồng Phong v.v…Hôm nay là Nhà Hàng Tiểu Ngư đường Sư Vạn Hạnh nối dài. Phải hỏi thăm vài lần mới tới nơi được vì nó nằm khuất sâu bên trong của khu vực doanh trại quân đội cũ, xa hẳn tiếng ồn ào tạp nham của đường phố xe cộ. Không gian rất rộng rãi và thoáng mát, thật thích hợp cho một buổi họp mặt thân tình tránh sự dòm ngó của những đôi mắt tọc mạch. Thực ra cũng chẳng “có vấn đề” gì, nhưng ta cứ nên“cẩn
tắc vô áy náy!”

Con vòi con vỏi con voi

Trời trong xanh với những đám mây trắng lững lờ trên cao, không gian tĩnh lặng như mặt hồ thu thật phù hợp với sự yên ổn tâm hồn của những mái đầu bạc đã qua rồi thời tuổi trẻ sôi nổi. Khung cảnh chung không có vẻ gì rộn rã của một cuộc họp mặt đông người.
Tôi đến nơi rất đúng giờ thông báo trên Thiệp mời, nhưng thấy có rất nhiều Anh Chị đã đến sớm từ trước tụ họp chuyện vãn phía ngoài quán. Vừa dừng xe ở khoảng sân rộng đầy bóng mát, đã có vài anh chị giơ tay chào đón. Anh Thiệm, Chị Lệ, Anh Bình, Anh Hoàng…Có lẽ họ đã biết mặt tôi qua những bài viết trước đây đã đăng trên Đặc san Hội ngộ 55 năm trường Trung Học Banmêthuột hoặc trên blog của trường. Những cái bắt tay siết chặt như ở tuổi đôi mươi kèm theo những cái vổ vai thân mật làm không khí đầy sự cởi mở giữa những CHS không học cùng lớp. Tôi không che giấu sự thích thú khi nhận được lời khen tặng những bài viết của mình từ các Anh Chị, xen vào đó cũng có lời phê bình sao không nói những chuyện vui lại chen lẫn vào nỗi buồn làm chi? Tôi chỉ biết ngượng ngùng cười thôi chớ biết trả lời sao bây giờ, bởi tôi nghĩ trong hoài niệm của một đời người tránh sao khỏi có những cung bậc xúc cảm khác nhau? Thường người ta hay né tránh những điều bất ý không muốn nói ra, nhưng đâu ai ngăn được suy nghĩ riêng của người khác?

Lâu nay chúng tôi chỉ liên lạc với nhau qua những email, biết thì có biết nhưng chưa gặp mặt nhau trò chuyện bao giờ nên đây thực sự là một dịp may để có thể tay bắt mặt mừng và những trao đổi hẹn hò gặp gỡ riêng tư. Anh Trưởng Ban Liên Lạc CHS Nguyễn Văn Hưởng với cái bắt tay đầy mạnh mẽ vui mừng chào đón cánh chim lạc bầy rất thân quen đã nhiều năm rời xa nay đã tìm được đường quay về tổ ấm.

Các Thầy Cô hầu hết đã có mặt, nhưng còn một số đông các bạn CHS theo dự kiến chưa xuất hiện đầy đủ nên giờ khai mạc cứ phải kéo dài ra trong sự chờ đợi nôn nóng của mọi người. Tôi dám nói thẳng ra ở đây đó là một thói quen không tốt của người Việt Nam. Bốn con số với hai dấu chấm ở giữa ghi rõ ràng giờ giấc dường như không làm họ quan tâm, chỉ cần biết đó là buổi sáng hay buổi chiều thôi, miễn là sự có mặt của họ không sai buổi là họ an tâm rồi. Đi dự họp mặt chúc mừng Thầy Cô mà như đi ăn cưới, cứ đủng đà đủng đỉnh…

Bạn đời tình cờ gặp mặt
Thầy cũ trò xưa

Chưa khai mạc được thì tất cả tranh thủ chụp hình kỷ niệm. Tốp năm tốp ba tốp bảy, người quen người lạ, người cũ người mới cứ xúm vào làm các đèn flash cứ lóe lên liên tục. Anh phó nhòm của trang Lâm Dũng hết sức bận rộn, cứ chạy tới chạy lui đáp ứng yêu cầu của các bạn mà xoay như đèn cù. Và đó cũng là một thời khoảng đáng quý để thăm hỏi sức khỏe các Thầy Cô và sự liên lạc của các bạn không có mặt, không thôi một hơi “vào trận” rồi thời gian đâu mà thăm hỏi?

Nhận "bà con"

Cũng khó tránh khỏi sự cục bộ ở đây vì dường như mỗi niên khóa lại kéo nhau vào bàn riêng của mình. Học lớp khác thì có gì để nói với nhau? Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều nhân vật quảng giao đi chào hỏi từng nhóm bạn thân sơ ví dụ như anh Dũng em trai Chị Trần Thị Dzu Hoài, anh Nguyễn Kim Hoàng, anh Trần Văn Bình…Ước gì những sợi dây kết nối các thế hệ khác nhau ấy cứ phát triển thêm nhiều hơn nữa. Anh Trưởng Ban quả là người bận rộn nhất buổi sáng hôm nay cứ phải chạy tới chạy lui để mắt tới tất cả mọi việc mong cho buổi họp mặt được suôn sẻ và chu toàn. Phải ghi nhận công sức to lớn của Anh Nguyễn Văn Hưởng từ buổi sơ khai và duy trì những cuộc họp mặt thường niên cho tới tận bây giờ. Cũng chả có sóng gió gì cho lắm nhưng có biết bao trắc trở đã gặp? Tôi tưởng tượng “cái ngà voi” anh Hưởng vác chắc phải to đùng và nặng nề lắm!

Đại diện Ban Liên Lạc tuyên bố khai mạc buổi họp mặt

Đã qua giờ khai mạc dự tính hơn 1 tiếng đồng hồ rồi, cuối cùng thì cũng phải tiến hành cuộc họp mặt thôi.

Một Chị đại diện Ban Liên Lạc lên sân khấu tuyên bố bắt đầu. Lẽ ra đó là trách nhiệm của Anh Trưởng Ban, nhưng than ôi! Ông già đầu bạc gần bảy mươi tuổi mà tiếng nói như một cậu trai vừa vỡ giọng thì làm sao ai nghe được?!?! Thì cũng là những lời nói thông thường nhưng tôi chú ý đến một câu nhỏ như lời than thở: “Ban Liên Lạc CHS đã hết sức cố gắng để có thể tổ chức mỗi năm một lần họp mặt nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam để trước nhất là tri ân dạy dỗ của các Thầy Cô, thứ đến là dịp để các Cựu Học Sinh có dịp họp mặt thăm hỏi lẫn nhau…”. Tôi nghe mà xót xa trong lòng. Vì không đủ kinh phí tổ chức nhiều hơn nữa? Vì không có sự gắn bó giữa các bạn với nhau? “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ?”

Thầy Chung Phước Khánh phát biểu cảm tưởng

Tiếp đến là phát biểu cảm tưởng của Thầy Chung Phước Khánh vừa từ Mỹ về thăm quê hương. Thầy thật sự xúc động trước tình cảm ấm áp của các học trò cũ dành cho những người đã khai sáng trí tuệ trong lời phát biểu ngắn gọn

.
Thầy Chung Phước Khánh, Thầy Võ Ngọc Lô, Thầy Ngân

Thầy Vĩnh,...,Thầy Xum

Thầy Khánh, Thầy Lô, Thầy Ngân,Thầy Sỹ

Rất tiếc là buổi sáng hôm nay trên bàn các Thầy Cô không thấy sự hiện diện của Thầy Hiệu Trưởng Phạm Văn Đồng không rõ vì lẽ gì? Các Thầy thì có người đã dạy tôi là Thầy Võ Ngọc Lô nên biết rõ, nhưng cũng có những Thầy tôi không được học nên không nêu ra đầy đủ. (Việc nầy tôi đã có đề nghị Anh Hưởng vui lòng thông báo cho danh sách những người tham dự để điền tên đầy đủ vào các tấm ảnh cho sinh động và giá trị hơn, nhưng dường như…anh quên rồi!).

Có một người Thầy làm tôi chú ý vẻ mặt quen quen ở cái miệng mom móm. Hỏi thăm mới biết là Thầy Xum. Nhìn Thầy mới thấy bước thời gian trải lên dáng vẻ con người thật…tàn nhẫn. Nhìn lại người Thầy cũ với một chút ngậm ngùi. Nhớ thuở Thầy mới ra trường được thuyên chuyển vể dạy ở trường Trung Học còn là một thanh niên đầy nhiệt huyết với dáng người dong dỏng có cái miệng móm. Những ngày Chủ Nhật tôi hay gặp Thầy dong chơi đây đó để tìm hiểu về vùng đất mới, những bước chân mạnh mẽ sải dài trên con đường dốc đứng xuống Suối Đốc Học hay đây đó trên phố núi nhỏ xíu. Bây giờ trước mặt tôi chỉ là một ông lão đã “có bụng” đi đôi dép da như một lão nông chất phác. Tôi những muốn bước tới hỏi thăm Thầy đôi câu nhưng đông người quá, hơn nữa tôi chỉ học Thầy có một năm. Khoảng thời gian gần 50 năm với biết bao lứa học trò chắc chắn Thầy không thể nào nhớ ra tôi nên ngần ngại quá đành thôi.

Có một vị phụ nữ áng chừng trẻ tuổi hơn tôi, trong những lần họp mặt luôn luôn ngồi kế bên các Thầy trong khi các học trò cũ chỉ dám đứng sau lưng nên tôi không rõ đó có phải là một Cô giáo thuộc lớp sau hay không?
Trao quà các Thầy Cô

Người dẫn chương trình mời các Thầy Cô bước lên nhận quà của các học trò. Các gói quà lần lượt được kính cẩn trao như một chút lòng thành kính của các học trò cũ gởi đến Thầy Cô biểu hiện lòng tri ân sâu sắc. Hì…hì…Nhìn các Thầy Cô ôm quà sắp hàng ngang tôi lại liên tưởng đến những buổi phát phần thưởng cuối năm, nhưng bây giờ vị trí đã đảo ngược.
Cô Trang nguyên Hiệu Trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ tuy tuổi già sức yếu cũng ráng tới dự cuộc họp mặt…bằng Taxi, có lẽ cô không còn đủ sức để ngồi xe gắn máy nữa.
Những ánh đèn flash lại liên tục lóe lên, bởi hôm nay có rất nhiều “phóng dziêng” tác nghiệp để đưa tin.

Tiệc đã dọn ra bàn, tiếng muỗng đũa trên bàn và những tiếng cụng ly khởi sự rộn ràng. Chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn bắt đầu.
Gươm cùn lạc giữa rừng hoa...

Mở màn là một điệu múa trên nhạc nền Một Thoáng Quê Hương. Một nhóm múa do Anh Hưởng huy động gồm đủ mọi lứa tuổi mặc áo dài với những dải lụa đỏ tha thướt nhịp nhàng theo điệu nhạc làm khởi sắc không khí buổi họp mặt.

Nhóm múa giúp vui văn nghệ

"Tà áo em…bay bay bay bay trong gió nhẹ nhàng.
Tà áo em…bay bay bay bay trên phố dịu dàng…
Áo bay trên đường như mây xuống phố
Áo bay sân trường tựa cánh chim câu
Đẹp xiết bao, quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu.
Dù ở đâu…Paris, Luân Đôn hay những miền xa
Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố
Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó…em ơi!...”

Không biết người tổ chức khi dàn dựng màn múa với mục đích nào, có lẽ để nhắc nhớ lại những tà áo dài học trò hoặc giả muốn nhắn nhủ với những người con xa xứ đừng quên lãng quê hương. Rất tiếc là trong buổi họp mặt học trò cũ hôm nay, tà áo dài đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam xuất hiện rất hiếm hoi, dường như những phụ nữ có tuổi bây giờ họ đã bị “Tây hóa” hết rồi.

Cô Toàn (67-74)
Ca sĩ Bích Tuyền (68-75)
Anh Bình làm fan hâm mộ tặng hoa cho ca sĩ Bích Tuyền
Cô Phượng (68-75) với Lối cũ ta về
Thầy Lô lại làm một fan hâm mộ tặng hoa

Chương trình văn nghệ tiếp tục với những màn biểu diễn của các Cựu học sinh rất sinh động, có cả hình ảnh các fan hâm mộ lên sân khấu tặng hoa cho ca sĩ trong tiếng vỗ tay cổ vũ của khán giả thật vui tươi. Đặc biệt Cô Hồng Phượng đã lên diễn ngâm một bài thơ của mình rất tha thiết và dạt dào tình cảm

Cô Hồng Phượng diễn ngâm bài thơ của mình

ƠN THẦY

Quê nhà réo gọi bấy lâu
Cung đàn muôn điệu bắt cầu Đông Tây
Đẹp sao buổi sớm mai nầy
Thầy xưa trò cũ sum vầy bên nhau
Thoạt nhìn bỡ ngỡ phút đầu
Thời gian có đợi ai đâu bao giờ?
Muối sương điểm tóc bạc phơ
Tình thương Thầy vẫn trao trò như xưa
Ơn Thầy dầu dãi nắng mưa
Trò xin dâng tặng “Người đưa con đò”
Đóa hoa tinh khiết thơm tho
Theo Thầy trên những chuyến đò dọc ngang.
HỒNG PHƯỢNG
Nhóm hát nữ (67-74) với bài hát Trường Làng Tôi...hổng thuộc bài!!!

Tức cười nhóm hát nữ (67-74) trình bày bài Trường Làng Tôi rất biểu cảm nhưng tiếc thay lại…hổng thuộc bài nên phải viết lời ra giấy. Khổ thay lại chép sai lời nên màn hợp ca đủ tông, đủ phách… Lần lượt Tuyền, Toàn (67-74), Phượng (68-75) lên sân khấu.
"Em" đi chùa Hương!?!?

Tôi nhận ra có một vị trong nhóm múa lên hát bài Em đi chùa Hương. Cô hóa thân thành một cô bé mười lăm tuổi với dáng điệu nhí nhảnh làm sôi động không khí buổi họp mặt.
Lời bài hát là hương cau hương bưởi nghe rất thơm tho, sao ca sĩ hát nghe toàn...hương bia thế?
Riêng Long (65-72) hát rất hay. Xin vỗ tay hoan hô!
Nhìn đồng hồ tay thì đã 11:45 rồi, trong lúc túi tôi có cái Thiệp mời đám cưới đón khách từ 11:30. Đành phải “chia tay sớm với giải” thôi! Lẳng lặng rút lui đi kèm theo Cô Hồng Phượng. “Người quan sát” Hưởng phát hiện sự tháo lui bất hợp pháp bèn chạy ra sân nắm tay kéo lại. Tôi phải nhăn nhó giải bày: Em “hoàn cảnh” lắm, phải về trước nên Anh tha cho!

Trên đường về, tôi hỏi Cô Hồng Phượng về chuyện đóng tiền niên liễm. Cô nói: Chết cha! Quên mất rồi. Hóa ra hồi nãy anh Hưởng ra níu lại là để đóng tiền chớ có phải lưu luyến gì mình đâu! (Hì…Hì…Có phải thế không hở Ông Trưởng ban Liên Lạc?)

Xin ghi chép lại những gì còn đọng lại trong trí nhớ tôi về buổi họp mặt CHS TH/BMT nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11/2011 gửi đến các bạn đọc cho vui. Dù hay dù dở, dù hài lòng hay mích lòng, xin mọi người cứ cho tôi một nụ cười đại xá hết.

Xin đa tạ!
HÙNG BI
CHS TH/BMT (60-68)

Không có nhận xét nào: