Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

NGỒI VỚI HOÀNG HÔN

 Nắng chiều đã bớt gay gắt. Không gian hừng hực đã dịu hẳn xuống sau một ngày nắng đổ lửa. Mặt trời chỉ còn cao hơn ngọn cây của rặng trâm bầu bên kia con sông nhỏ khoảng hai sào. Chòm mây tía lững lờ trôi dưới bầu trời không còn xanh trong nữa làm cho “nhan sắc” buổi hoàng hôn mang một vẻ êm đềm. Tiếng máy ghe thỉnh thoảng lướt ngang vội vã đoạn đường về làm xao động một chút cái không gian yên tĩnh của miền quê. Mấy con gà đang lục tục kéo nhau về chuồng trong tiếng gọi bầy nghe chao chác.

Công chuyện trong ngày coi như xong xuôi, chỉ còn sót lại chút chuyện lẻ tẻ để đờn bà họ mần rồi lo tắm rửa mấy đứa nhỏ trong lúc nồi cơm chiều đã đặt lên bếp.
Chiếc đệm lớn trải dưới gốc cây mù u cách bờ sông khoảng ba chục thước đã bắt đầu tề tựu những tay chiến tướng của cuộc nhậu chiều nay. Nó không phải tiệc tùng gì hết, chẳng qua là cách ít bữa thì bà con xóm riềng hú nhau làm một bữa nhậu chung cho vui thôi để quên bớt cái nhọc nhằn của cuộc sống. Hơn nữa, bữa nay có anh bạn tui là Năm Liêm cháu Chú Tư Tha ở xa mới về chơi thăm nhà cũng muốn nhậu rượu đế với chòm xóm một bữa để nhớ lại hương vị “nước mắt quê hương”. Dù uống rượu Tây cũng nhiều, bia lon bia chai cũng không ít, nhưng sao trong lòng anh vẫn nhớ hoài cái vị cay nồng ngọt ngất của hớp rượu đế quê nhà!
Lẽ ra buổi nhậu đã bắt đầu nãy giờ. Cũng tại thằng Tư Rum mắc dịch. Nó vừa phóng qua bờ mương bỗng nghe tiếng con vợ nó réo bèn thốn trở lại nhà. Chú Tư hút tàn hai điếu thuốc rê vẫn chưa thấy bóng dáng nó đâu. Lát sau mới thấy nó vác cái bản mặt xuôi cò với mớ mồ hôi ướt hết chưn tóc nhảy qua mương. Chú Tư Tha mới gắt giọng hỏi:
- Thằng mắc dịch! Coi cái bản mặt nó kìa! Con vợ mầy nó kêu về làm cái giống gì ở bển mà sao lâu lắc lâu lơ để mọi người chờ mầy vậy?
Tư Rum có vẻ bẽn lẽn đỏ mặt ngồi xuống mà không trả lời lấy một tiếng.
Chú Tư Tha là một lão nông tri điền chắc cũng ngoài 60 tuổi. Người săn chắc với nước da nâu bóng bởi nắng gió và nước phèn. Vợ chú mất đã hơn 5 năm rồi nên chú mới xáp lại với một bà khoảng 54, 55 tuổi gì đó do cái duyên ăn nói của chú.
- Thôi xáp vô đi tụi bây!
Phát pháo lịnh đã nổ. Tụi tui ngồi xếp bằng quanh tấm đệm bắt đầu động tay.
Để coi bữa nay có ai? Chú Tư Tha, tui, Tư Rum, Út Ri, Út Phên, Thạch Sary, Năm Liêm bạn tui với một người khách lạ.
Chú Tư có cái tật cứ mỗi lần ngồi vô nhậu là ổng hay đếm đầu người lắm. Dị đoan mà! Ổng nói như vầy: tứ trụ, ngũ quỹ, lục súc, thất quái. Hễ cuộc rượu có 5 hay 6 người thể nào ổng cũng ráng hú thêm người nữa sợ ngũ quỹ lục súc nhậu một hồi có chuyện cãi cọ mất vui. Dễ mà, gì chớ nhậu thì muốn hú bao nhiêu cũng có. Một vài tay lại có tánh thích “nhậu chùa” không phải hùn vô chút gì. Cứ mỗi lần đánh hơi được tiệc nhậu đâu đó cứ giả bộ xớt ngang rồi nói trỏng: “Ai kêu tui đó? Có tui đây…”. Ai mà không biết tánh mấy tay ba trợn, nhưng có hề gì? “Đông vui…hao” mà! Ngoắc vô ngồi chung cho xôm tụ. Chỉ lấy thêm cái chén đôi đũa nữa thôi chớ đâu có mất công mất linh gì nhiều cho cam?
Điểm danh xong ổng gật gù:
- Chà! Bữa nay là “bát tiên quá hải” hén bây. Vui à!
Tui ngó lại cái can rượu đế 5 lít mới lưng chút ít mà lo ngai ngái về cái “hải” nầy của Chú Tư.
Chợt ổng nghiêng người hỏi nhỏ Năm Liêm:
- Ai vậy Năm? Sao hổng giới thiệu cho anh em người ta biết?
- Dạ bạn con Chú Tư.
- Mà bạn làm sao?
Năm Liêm thoáng sượng sùng nhăn mặt nói nhỏ:
- Chú kỳ quá! Biết người đó bạn con là được rồi, truy hỏi con chi vậy?
Ông cười khà.
- Ờ! Hổng nói thì thôi. Ngồi xích vô đây cho vui đi con. Cho chú hỏi con tên gì, thứ mấy để kêu cho tiện.
Một người phụ nữ dong dỏng cao nước da trắng ngồi bên mép đệm chậm rải trả lời:
- Dạ thưa chú, nhà con ở chợ không quen kêu thứ, chú kêu con là Mai được rồi.
- Ờ! Vậy cũng được. Thôi vịn đũa đi Mai.
Người Nam Bộ có một cái lạ không giống như những miền khác, hễ ai đáng tuổi con cháu đều kêu là con hết. Rồi những người nhỏ tuổi khi trả lời cũng xưng là con. Làm như cái chữ cháu nó phải cách thêm một thế hệ nữa nghe xa hơn, thiếu sự thân tình gần gụi như những đứa con trong nhà. Còn khi đề cập tới người khác, luôn luôn có cái thứ đi trước cái tên cho khỏi lẫn lộn người nọ với người kia. Đó cũng là một đặc trưng của vùng Nam Bộ. Nghĩ cũng hay!
Trên chiếc đệm lớn có cái mâm nhôm để mồi nhậu gồm một tô canh chua bông so đũa nấu với cá vồ, một dĩa bún tươi lớn, một dĩa hột xoài gỏi khô sặc bóp với xoài chua, một dĩa gỏi gà trộn bắp chuối có điểm mấy cái lá màu xanh hình mũi mác của rau răm, một tô cháo gà với lớp hành phi nổi lều bều khói bay nghi ngút, hai chén nước mắm tỏi ớt, một dĩa muối tiêu, một tô mía lau đã róc vỏ với một chén muối ớt để dành chữa lửa cộng thêm một bụm ớt hiểm. Ở chợ thì người ta xài trà đá để chữa lửa, nhưng trong sâu như vầy đâu có ai bán nước đá nên đành xài tạm cái vị ngọt thanh của mía lau thôi. Nếu có một dịp nào “bất tiện” về chuyện mồi màng, bà con cứ xài mía lau chấm muối ớt làm mồi nhậu rượu đế cũng “bắt” lắm! Ngoài đệm thì một nồi canh chua nóng hổi để chờ sẵn.
Chú Tư Tha nói với Mai:
- Cứ tự nhiên nghe con. Trước lạ sau quen, coi như anh em trong nhà cho thoải mái.
Rồi ông giơ ngón tay cảnh cáo đám đờn ông:
- Bữa nay có đờn bà, tụi bây liệu mà giữ cái miệng cho tao nhờ, đừng có uống rượu vô rồi ăn nói bậy bạ khó nghe.
Mai vội đỡ lời:
-Dạ không sao đâu Chú Tư, cứ để mấy ảnh nói chuyện thoải mái cho vui. Rượu vào phải lời ra. Cháu cũng lớn rồi, nếu cần cháu cũng có thể kể một hai câu chuyện góp vui cũng được mà.
Cả đám cười rần, vỗ tay hoan hô rân trời.
Trận nhậu bắt đầu với tiếng nói tiếng cười rôm rả. Nhưng gì thì gì cũng bắt buộc phải có một màn “xây tua” khai mạc. Hì hì…Nông dân rặc mà cũng biết xài tiếng Tây nữa đó bà con. Tua là một tiếng Việt hóa từ tiếng “tour” của Tây nghĩa là một cái vòng nhưng chưa biết nó tròn méo ra sao? Tiếng muỗng đũa đụng vô chén dĩa nghe lanh canh rất vui cái lổ tai.
Theo lệ thường, rượu được chiết ra chai xị rồi rót vô ly nhỏ cỡ lớn hơn ngón chân cái vừa một hớp, ai đong nấy uống xây tua, trước khi uống phải trình cho người dưới biết không thì bị bắt lỗi phải phạt uống thêm ly nữa. Nhưng Chú Tư thì ổng không chịu, bởi cứ mỗi lần hơn nửa đoạn đường mấy thằng nhỏ không theo kịp hay ăn gian rót bớt lại. Cuối cùng tàn cuộc ổng “quỷnh” luôn, tối về không thế nào “cơm cháo” gì được, bị Thím Tư cằn nhằn nếu mà cứ như vậy mai mốt không cho đi nhậu nữa nên ổng ớn. Ổng bắt thằng Thạch Sary phải làm chủ xị, có bổn phận hễ ai uống hết là nó phải châm rượu bị nó nhỏ tuổi nhứt. Cái thằng cũng láu cá, trước khi rót ly đầu ra, nó nhúng ngón tay út vô miệng can rượu đưa lên miệng chép chép rồi gật gù:
- Chà! Rượu nầy ngon đa.
- Bà mẹ nó! Thiệt in như thằng cha mầy. Hồi còn sống Ba nó cũng hay có cái tật nếm rượu rồi gật gật khen ngon. Mà tao có thấy nó chê cái thứ rượu nào đâu! Rượu gạo, rượu mía, rượu nếp thứ nào cũng quất tuốt hết. Nó chết đi để lại thằng con nối nghiệp. Chắc hồi nhỏ nó thấy Ba nó mà bắt chước đây.
Thằng nhỏ cười khì. Khoảng mươi vòng đầu thì mọi việc êm thắm không có gì đột biến. Ly rượu đế cứ tuần tự xoay vòng.
Mai không uống được cũng cứ phải nhắp môi khi tới lượt. Cô gắp một miếng thịt gà nhai từ từ rồi lên tiếng khen:
-Thịt gà dưới mình ăn nghe ngon thiệt! Vừa dai dai vừa ngọt vừa thơm nức lổ mũi, hơn hẳn thịt mấy tiệm cơm gà trên chợ.
Những chuyện mần ăn chòm xóm láng giềng đem ra nói rồi cười thoải mái. Thỉnh thoảng cũng có những tiếng chửi thề nghe tròn vo, chỉ là một tiếng đệm theo câu nói cho ngon trớn thôi chớ chẳng hề có một ý gì thô lỗ.
Chuyện đương rôm rả thì nghe có tiếng hò văng vẳng: “Hò ơ…! Tưởng giếng sâu tui nối sợi dây dài…Hay đâu giếng cạn ơ ờ…Hò ơ…! Hay đâu giếng cạn tui tiếc hoài sợi dây…”. Giọng hò nghe như sao nghèn nghẹn bay theo những giọt nắng chiều hôm chấp chới trên mặt sông nghe thiệt não lòng.
Chú Tư chắt lưỡi:
- Tội cho thằng Năm Tỏn, nó thất tình! Con mèo nó đi lấy chồng Hàn Quốc rồi, bị nhà con kia nghèo quá, mà nó cũng nghèo thì biết làm sao?
Không khí đệm nhậu hơi chùng xuống. Mai nghiêng qua hỏi Chú Tư:
- Chú Tư ơi, bây giờ dưới nầy người ta có còn hay hò như vậy không chú?
- Ít rồi con ơi. Mấy đứa nhỏ bây giờ hay ca tân nhạc chớ ít có hò bị ghe xuồng bây giờ toàn chạy máy dầu với máy đuôi tôm rần rần, hò thì nghe hơi bị lạc điệu. Với lại tụi nó cũng quên lần điệu hò quê hương hết rồi. Đi vô trong sâu kia thỉnh thoảng mới nghe còn vài đứa. Mà bây giờ tụi nó toàn hát không thôi vì hò thì phải có đối đáp mới hay chớ ít ai hò một mình kiểu thất tình như thằng Năm Tỏn kia. Bữa hổm tao chèo xuồng vô bưng nghe con nhỏ nó hát cái gì mà “Anh ở đầu sông em cuối sông, uống chung dòng nước Vàm Cỏ đông…” nghe cũng hay! Trưa vắng nên giọng con nhỏ như bay dài trên mặt sông nghe thiệt ngọt.
Bây giờ tới đoạn cao trào của buổi nhậu đây. Anh bạn Năm Liêm của tui lãnh đạn 3 cái bắn bổng với 2 cái bắn bỏ thấy coi bộ ngất ngư liền. Bắn bổng bắn bỏ là sao? Nghe chữ bắn tưởng đâu là muốn giết chết đối phương nhưng ở đây không phải vậy. Nó xuất phát từ tình cảm cá nhân giữa người nọ với người kia, họ sẽ chủ động “tình thương mến thương” mà uống tay đôi với nhau ngoài cái ly xây tua. Có khi còn khích tướng nói là cái ly bắn bổng đối phương uống không ngọt thì cho đó chỉ là một ly bắn bỏ không tính. Năm Liêm lâu quá rồi mới về thăm quê thì bị vướng vô cái chuyện nầy là một lẽ đương nhiên. Dội đạn anh chàng uống ăn gian một chút bị chú Tư phát hiện liền.
- Đâu được mậy! Uống rượu là không được kê tán. Nước mắt quê hương chớ có phải chơi đâu! Mầy có thấy nước mắt nào có cặn hôn? Hổng có được nhăn mặt phun nước miếng, bộ tụi tao cho mầy uống thuốc độc hả? Chẳng mấy khi! Ráng làm coi cho được đi con!
Tội nghiệp anh bạn tui, quất xong 5 ly ra-phan thì rủ xuống như con gà mắc nước. Cô bạn Mai phải vuốt vuốt lưng cho xuống rồi chấm một khoanh mía lau với muối ớt cho anh chàng chữa lửa.
Ráng chiều rực rỡ với màu mây ngũ sắc tuyệt đẹp! Những tia nắng yếu ớt của mặt trời hoàng hôn cố xuyên qua mép những đám mây tạo thành những tia nắng sắc nét nhuộm một màu vàng óng mơ màng lên đầu những khóm cây, ngọn dừa. Gió thổi lên từ mặt sông đầy nghe mát rượi trên những cái trán và hai bên lỗ tai đã bắt đầu nóng bừng. Vừa ngửa cổ nốc cạn một ly rượu đế xong, tui nhìn ra mông quạnh xung quanh êm ả dưới màu chiều sao nghe dòng nước cay nồng vừa trôi qua khỏi cổ nghe nó ngọt ngất! Phải công nhận uống rượu mà hợp tình hợp cảnh thì nghe nó ngon và đậm đà tình cảm với manh đất quê nghèo xiết bao!
Cái miệng “tép lặn tép lội” của thằng Tư Rum bắt đầu hoạt động:
- Tui kể chuyện nghe chơi nghen chú Tư?
Chú Tư Tha đưa mắt ngó Mai như thầm dọ ý bởi Chú biết tánh “cái thằng mắc dịch” nầy mà, hễ nhậu vô ba sợi thế nào cũng kể chuyện tiếu lâm. Mai mỉm cười rồi gật đầu nhẹ.
- Ừ. Thì kể chuyện gì nghe nhẹ nhẹ chút nghe mậy. Ở đây có đờn bà con gái đó.
- Dạ, chú cứ yên chí.
Tư Rum bắt đầu: “ Hồi xưa có một bà vợ quan lớn, trước khi con gái về nhà chồng bà dạy biểu con từ chút, từ nết ăn nết ở bên nhà chồng tới chuyện cư xử với chồng ngọt bùi ra sao, vì con gái hồi đó khờ khạo lắm chớ hổng phải như bây giờ tụi nó rành sáu câu hết. Bà nói : Con à, có cái chuyện nầy rất quan trọng, là chuyện vợ chồng đó, con phải nhớ cho kỹ rồi dặn lại thằng chồng con. Đây là kinh nghiệm thiệt sự của bà Ngoại dạy cho Bà, nên Bà mới sanh ra Ba con được làm quan lớn nở mày nở mặt với người ta đó.
Tiếc là tới phiên má chỉ sanh được mỗi con là gái, thôi lấy cái kinh nghiệm nầy mà giữ cho cháu ngoại trai sau nầy của má được nhờ.
Cô gái cũng hết sức tò mò: Việc chi mà Má nói nghe quan trọng dữ vậy Má? Bà kéo đầu cô con gái lại gần rồi nhỏ giọng thì thào chi đó. Cuối cùng Bà gằn giọng: “Phải nhớ cho kỹ mà thủ thế mới được như ý nghe con!”
Hai gò má của cô con gái đỏ lựng. Cô chiếp trong bụng chuyện mẹ dặn.
Khi về nhà chồng, năm lần bảy lượt ngần ngại, nhưng nhớ lời mẹ dặn cổ đành phải thỏ thẻ cho chồng nghe. Anh chồng thì như ngỗng con khờ khạo có biết gì đâu, vợ biểu sao thì nghe vậy thôi. Đâu được khoảng mươi ngày thì không khí trong phòng riêng có vẻ nặng nề, đờn bà gì mà mới về nhà chồng đi ra đá ghế cái rầm, đi vô để cái chén trà xuống nghe cái cộp. Tiếng bình dân kêu là “dằn mâm xáng chén”. Anh chồng trẻ cũng thắc mắc, mình có làm cái gì quấy đâu? Cũng ngọt ngào chiều chuộng như những ngày đầu mà, đâu có cử chỉ hay lời nói nào làm buồn lòng cô ấy….
Vừa lúc đó thì con Sáu Xao vợ thằng Tư Rum khệ nệ bưng thêm nồi cháo gà đem ra đệm nhậu. Nghe thấp thoáng nó bèn liếc ngang thằng chồng một cái bén ngót làm va lỡ bộ nín khe. Đợi cho con vợ quay lưng đi xa, thằng Tư Rum mới thì thào to nhỏ gì với đám trẻ không biết.
Rồi khi không tiếng thằng Tư Rum chợt ngưng ngang. Tất cả đều lặng thinh, nghe như có con chim vừa bay ngang qua đệm nhậu. Có tiếng vỗ bắp vế cái chát rồi đám nhỏ cười rần lên. Mấy con chim vừa ghé định ngủ đêm trên ngọn mù u cũng giựt mình bay chao chác. Tui cũng rành Tư Rum quá mà! Chắc là khúc sau của câu chuyện nghe “kỳ kỳ” lắm đây. May mà không lọt vô lổ tai Cô Mai.
Dứt trận cười , chú Tư nói:
- Đâu, có thằng nào hát vài câu vọng cổ hay bài bản gì đó đãi mấy người khách coi tụi bây.
Thằng Út Ri đứng lên nói:
- Dạ để con.
Nó chạy vô nhà lấy cây đờn ghi ta tân nhạc đã cũ đi ra. Thằng nầy có cái tài hổng biết học được của ai cũng khá. Đờn tân nhạc mà nó rao vọng cổ nghe cũng được tuy không hay cho lắm bởi không có cái phím lõm để nhấn nhá rung cho hay, nhưng nó miết mấy cái đầu ngón tay chai sần hết nghe cũng tạm. Rồi thay phiên nhau những “Tình anh bán chiếu, Bánh bông lan. Tần Huỳnh khóc bạn, Tống tửu Đơn Hùng Tín, Dạ cổ hoài lang…” bay bay quanh đệm nhậu lên tới đọt cây mù u rồi tràn ra tới bờ sông trong hơi thở của buổi chiều bắt đầu chập choạng sang đêm làm lòng người thấy thơ thới và đậm đà tình quê hương. Tui liếc ngang thì thấy vẻ mặt của Năm Liêm coi có mòi xúc động thấy rõ. Dường như một phần cái bản chất Nam Bộ đang quay về mà tuôn chảy trong dòng máu chơn chất của trái tim bồi hồi đầy xúc cảm.
Có tiếng phụ nữ lớn tuổi từ bên kia bờ mương len qua hàng rào bông bụp vọng sang:
-Ông ơi… dìa ăn cơm, tối rồi!
Chú Tư nhóng cổ quay lại nói lớn:
- Ờ! Rồi rồi…tui về liền.
Rồi ổng cười nụ nói nhỏ:
-Làm gì mà nôn dữ vậy? Còn sớm mà. Bả dư sức biết nhậu như vầy thì về nhà bụng còn chỗ nào để chứa thêm cái gì nữa. Bả sợ tao nhậu quá chén về lăn ra ngủ thẳng cẳng thì uổng một đêm thôi!
Thả câu nói xong thấy ông thoáng giựt mình ngó Mai. Một cái đỏ mặt nhẹ với nụ cười nhỏ. Mặt ông già thoáng sượng trân.
Đệm nhậu chỉ còn vương vãi mấy cái xương gà xương cá với chút nước mắm. Chén đũa thì nằm chỏng chơ. Can rượu còn một chút xíu sót lại dưới đáy.
Gió bắt đầu nghe lạnh. Bầy muỗi đói vo ve bay kiếm ăn. Mưa đã rớt những hột nhỏ lưa thưa. Chú Tư đứng lên:
- Thôi đủ rồi, dọn dẹp đi tụi bây. Mà đừng để con Mai nó động tay động chưn nghen. Nó đi đường xa về mệt mỏi để nó nghỉ ngơi. Thằng Sary lo xếp cất cái đệm với can rượu, thằng Út Ri lo cất cây đờn thôi mưa ướt làm hư, thằng Út Phên lo dọn chén đũa, thằng Tư Rum lo vụ nồi niêu. Còn tao thì về lo tắm rửa mát mẻ để…“ngủ” cho phẻ!
Một trận cười rần vang lên trong dáng đi hơi xiêu vẹo của Chú Tư lẫn vào trong bóng đêm đang bắt đầu trải dài trên vùng châu thổ.
HÙNG BI
(tháng sáu 2011)

Không có nhận xét nào: