Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

THẦY CHI “O MÈO”

GHI CHÉP của Kiều Văn Hùng
(Những câu chuyện vui do Thầy Bùi Dương Chi kể trong lần họp mặt ở nhà Lâm Dũng)
 Chuyện thứ hai : Thầy Chi đi học

Bằng một giọng Bắc Kỳ khề khà của một người lớn tuổi, nhưng có cái duyên dáng đặc trưng. Đến những đoạn cao trào, Thầy bỏ ghế đứng lên để diễn tả những bộ tịch minh hoạ trong ánh mắt bừng vui của thời tuổi nhỏ khiến không khí rất sinh động, và dường như mái tóc bạc trên đầu Thầy bỗng…hoá xanh!!!

Tôi thì vui quá đỗi, cười híp cả mắt luôn nên bây giờ nhớ lại có thể quên một vài chi tiết, nhưng cũng xin kể lại bằng cái giọng Nam Bộ của mình hầu các bạn.

Thầy Trương Vinh, Thầy Lô, Thầy Chi và Thầy Sỹ


THẦY CHI “O MÈO”
Chuyện xảy ra cũng lâu lắm rồi như cổ tích, nếu mở đầu bằng hai chữ Ngày xưa…cũng khá phù hợp.
Vào khoảng năm Thầy mới ngoài hai mươi, Thầy Chi, Thầy Tùng và một vài Thầy nữa được phân công làm Giám Khảo Hội Đồng thi Tú Tài ở Huế. Thuở đó, kỳ thi Tú Tài gồm hai phần: Thi viết và vấn đáp.
Sau phần thi viết, đến phần vấn đáp thì một cô giáo Huế cũng làm giám khảo trong Hội đồng thi có một cậu em trai đang sắp sửa “lên đoạn đầu đài”. Nhan sắc của cô khá “phi thường” với giọng Huế nhiều âm điệu khi cất lên như con chim Hoạ Mi buổi sáng hót đầu cành. Cô lo lắng cho số phận của người em nên làm quen với mấy Thầy giám khảo để nhờ cậy, xin thương cô mà nới tay cho cậu em được nhờ. (Đẹp quá! Sao mà không thương cho được?). Thuở đó chưa có chuyện “rớt Tú Tài anh đi Trung sĩ” đâu, nhưng cô chỉ muốn đường học hành của cậu em được hanh thông thôi.
Mọi nhân vật khác thì cô đã nói xong, chỉ còn có mỗi “Ông Kẹ Chi” thì chưa dám ngỏ lời. Tan một buổi thi, dẹp hết những ngại ngùng vốn có của một nàng Tôn Nữ, cô bạo gan sánh bước với Thầy để toan tính mở lời. Đi chung một đoạn đường mà sao cô ấy vẫn làm thinh, Thầy liếc nhìn mấy đồng sự sao tự nhiên họ lại đi cách rời một khoảng xa xa mà mặt mày anh nào cũng lộ vẻ gì sao nghi ngờ quá với những nụ cười tinh quái trên môi.
Người ta đã có câu: “Học trò trong Quảng ra thi, Thấy cô gái Huế chân đi không đành” chứng tỏ các nàng Tôn Nữ có một sức thu hút rất đặc biệt. Nhưng chành thanh niên Chi thì cứ làm bộ mặt lạnh như tiền, phớt tỉnh Ăng Lê (Ờ! Mà Thầy dạy tiếng Anh nên cũng có hơi hướng phần nào chăng? Hay là trái tim cũng nhảy Mămbô trong ngực mà giả vờ đây?). Thầy cũng thừa biết cô ấy định nói gì, nhưng cứ…giả vờ như không để chờ coi sự thể thế nào!!!
Mãi một lúc sau cô mới lên tiếng mời thầy đến nhà chơi mà không đề cập tới chuyện thi cử gì cả. Có lẽ do đông người quá nên cô ngại mở miệng nhờ cậy, thôi mời tới nhà cho kín đáo hơn và tỏ sự trọng thị Thầy hơn người.
Thế là chàng hớn hở nhận lời ngay và đến đúng hẹn. Trong buổi gặp gỡ gia đình có cả Cha Mẹ của cô ấy với sự hiếu khách vốn có, không khí rất vui vẻ và thân tình, nhưng tuyệt nhiên không ai đề cập tới chuyện nhờ cậy gì hết. Chỉ là một buổi tiếp đãi một đồng sự của con mình từ phương xa tới làm nhiệm vụ thôi.
Khi ra về, cô gái mới thỏ thẻ mở lời: “Tháng sau em có việc phải vô Sài Gòn, nếu Thầy có rảnh giúp em chỉ vẻ đường đi nước bước trong đó. Đi tới chỗ lạ em sợ lạc đường lắm!”
Thế là chàng gật đầu cái rụp! Một lời hò hẹn với một địa chỉ hoa được đưa ra. Đất trời sao bỗng dưng rực rỡ như vừa thoát ra từ cõi hồng hoang. “Ui chao! Sao số mình may mắn hơn mấy cha kia vậy?”
Thế thôi! Cần gì phải mở lời nhờ cậy cho nó nhẹ thể nhỉ? Và số phận cậu em trai coi như đã được an bài. Biết đâu sau nầy có một anh Tiến sĩ hay Thạc sĩ thành tài cũng nhờ vào một sự nhờ chỉ đường trong Sài Gòn đó? Ai mà biết!
Chao ơi! Trong suốt một tháng ròng sau đó, chàng cứ như người mộng du, đêm không ăn ngày không ngủ, chỉ mong sao cho mau mau tới ngày hạnh ngộ. Thần trí cứ mơ màng như sống trong cõi trăng sao!
Gần đến hẹn, phải năn nỉ mượn người bạn một chiếc Lambretta đầu bò màu trắng, về cọ rửa cho thật sạch bong để đón nàng, bởi Thầy giáo lương có bao nhiêu đâu, vừa đủ sống thì lấy đâu ra có của để dành mà sắm sửa.
Đến ngày hẹn, quần tây áo sơ mi trắng bóc, chân mang đôi giày đen đánh bóng kèm theo cái “cà-la-quách” thiệt chiến đến điểm hẹn với nàng. Mảnh giấy nhỏ ghi địa chỉ cứ phải móc ra coi vài lần cho chắc ăn sợ nhầm lẫn.
“Đồng hồ đã gõ bảy giờ,
Thầy Chi sửa soạn mặc đồ đi chơi.
Bộ âu phục kẻng thôi thật kẻng,
Quần bê-canh ống bén như dao.
Vét-tông ôm sát thân cao,
Chiếc cà-vạt đỏ tươi chào gió xuân…”
Đến sớm 15 phút chờ cho chắc ăn, lần đầu tiên hẹn hò mà để cho xe bị bể bánh hay kẹt xe tới trễ giờ thì thật là bất lịch sự. Chiếc kim giây đồng hồ cứ thản nhiên mà bó từng nấc một, mặc cho sự chờ đợi làm bỏng rát lòng chàng. Bảy giờ rồi tám giờ rồi…tới mấy giờ nữa không biết. Thuở đó làm gì có điện thoại di động như bây giờ để hỏi han cho rõ sự tình. Đến khi mặt trời lên gần tới đỉnh đầu làm héo tàn nỗi đợi mong thì chàng đành quay gót trở về trong nỗi thất vọng không có một hình dung từ nào có thể so sánh.
Chàng đành tự nhủ: “Chắc cô ấy gặp chuyện trở ngại nào đó ngoài ý muốn nên không đến đúng hẹn được”.
Tự an ủi mình thế thôi! Ý muốn đã đạt, con chim đẹp sẽ không bao giờ quay về đậu trên cành cây cũ đâu! Thế là tan vỡ mộng uyên ương!
Thầy Chi đã đi “o mèo” như thế đó!

Chuyện thứ hai : Thầy Chi:" đi học"
Đây là một trong những chuyện vui do chính Thầy Chi kể lại trong buổi họp mặt đón Thầy tại nhà Lâm Dũng hồi tháng 9 năm ngoái cho mọi người cùng nghe như một câu chuyện “làm quà” trong không khí hết sức thân tình và vui vẻ.

Mời các bạn đọc qua để thấy một chân lý không bao giờ thay đổi: Tuổi học trò con trai mới lớn thì ai cũng như ai, đều hết sức nghịch ngợm.
Chẳng biết trước đó thành tích học tập của Thầy ra sao, nhưng “được” Mẹ Thầy đưa vô trường dòng học nội trú để rèn luyện tốt hơn.
Không phải là đưa Thầy đi tu đâu nhen, mà là trường dòng La San do các frères người Pháp dạy dỗ. Tôi chẳng biết ngày xưa thì các frères dạy ra sao, nhưng anh trai tôi học trường La San Banmêthuột đã được các frères cho nếm mùi ăn roi từ những nhánh cà phê đầy những mắt có u có nần. Ghê thiệt!
Chắc các bạn cũng biết, khi học trong trường dòng thì ngoài việc học văn hoá, mỗi tuần đều có giờ giáo lý. Trước mỗi giờ học đều bắt buộc phải đọc kinh cầu nguyện. Tiếng Ta còn chưa nói trôi chảy thì làm sao mà “nói tiếng Tây” được. Nhưng “cái khó không bó cái khôn”, trong mỗi lúc đọc kinh, chàng bèn lép nhép trong miệng cho giống người ta đang đọc kinh thôi. Nhưng “Thầy” mà! Các frères chỉ cần liếc sơ là biết đứa học trò của mình đang muốn làm gì. Rõ ràng là trong lúc chúng ta còn đi học, khi làm bài kiểm tra, anh nào không thuộc bài định giở trò “quay cóp” thì thế nào cũng bị Thầy bắt quả tang.
Một bữa nọ “chàng” đang nhắm mắt nhép miệng theo các bạn trong giờ đọc kinh thì không ngờ có một frère theo dõi cái anh chàng khả nghi nầy bèn tiến sát sau lưng ghé tai vào nghe coi có đúng là đang đọc kinh không. Đang nhắm mắt nên không phát hiện nguy cơ đang tiến sát bên mình, chàng cứ vô tư mà…lép nhép.
Thế là chàng bị xách tai rời khỏi ghế và được frère ban cho vài cái đá vào mông vì tội không kính Chúa và tội qua mặt Thầy. Các frères người Pháp thì mang giày tây mũi nhọn đá đụng xương mông thì mấy ngày sau vẫn còn ê ẩm.
Kể đến đây, Thầy rời ghế để diễn tả lại hoạt cảnh lúc đó làm tất cả mọi người được một phen cười vỡ bụng.
Tiếp theo lại một trò nghịch ngợm khác của Thầy lúc học ở trường dòng. Số là phía sau trường có một ao sâu mà Thầy và vài người bạn hay trốn các frères ra đó để vẫy vùng. Bắt đầu cũng chập choạng tập bơi và đã nổi được trên mặt nước.
Bữa nọ, có hai anh chàng chân chỉ hạt bột học giỏi được các frères rất cưng phát hiện ra chuyện nầy. Sợ các chàng kia méc lại, Thầy mới dụ dỗ họ cùng tham gia trò chơi, nhưng họ lắc đầu và bảo là không biết bơi. Thầy mới liếng thoắng bảo: “Đâu cần gì phải học, các cậu cứ đọc kinh và nghĩ đến Chúa tức thì sẽ nổi được trên mặt nước ngay. Coi tôi nè!”
Thầy bơi ra xa bờ rồi đạp nước bơi đứng trong lúc miệng thì làm bộ lẩm nhẩm đọc kinh làm hai chàng kia tưởng thật, vội vàng cởi quần áo và lao xuống nước ngay. Tất nhiên là chìm nghỉm chứ làm sao mà nổi lên cho được? Mấy chàng kia quýnh quáng chả biết làm sao phải quay vào trường hô hoán để các frères chạy ra cấp cứu.
Sau khi hỏi rõ sự tình, Mẹ Thầy được frère Hiệu Trưởng vời đến để “dẫn độ” con trai về nhà.
Thế là Thầy “mất học” luôn trong trường dòng của các frères người Pháp.
Ở đời hoạ phúc khó lường, cái rủi của người nầy biết đâu lại là cái may của những người khác?
Chính vì vậy nên những học sinh trường Trung Học Banmêthuột mới có được một Ông Thầy dạy Anh Văn tiếng tăm lừng lẫy và Thầy cũng còn gắn bó với sự nghiệp giáo dục cho đến tận bây giờ.
HÙNG BI (60-68)

Không có nhận xét nào: