Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2010

NGÀY “TAM NƯƠNG” CỦA THẦY CHI - Nguyễn Hương



 Tôi và bạn Nhịn xuống phi trường Dulles vào giữa trưa. Sau cuộc hành trình mệt mỏi và thời gian chờ đợi thủ tục nhập cảnh, hai chúng tôi sung sướng thở phào. Điều khiến tôi ngạc nhiên là Washington, DC nóng không thua gì Sài Gòn.
Ngơ ngác giữa phi trường, dù biết sẽ có người đón nhưng dáo dác nhìn chẳng thấy ai mũi tẹt da vàng cũng thấy lo lo. Tôi để bạn Nhịn coi hành lý, chạy tìm chỗ để gọi phone. Vốn tiếng Anh học nơi Thầy Chi sau mấy mươi năm giờ chỉ cho phép tôi bập bẹ vài câu. Khổ cho tôi, tưởng tôi rành ngôn ngữ này, một bà tuôn cả tràng vậy là tôi điếc luôn. Chỉ vào chiếc điện thoại trước mặt bà, vừa nói vừa ra hiệu, sau cùng bà cũng hiểu ra. Bấm số điện thoại nhà thầy Liễn, tôi nghe chuông đổ từng hồi réo rắt nhưng không ai bốc máy. Nhìn nét mặt hoang mang của tôi, bà kéo chiếc điện thoại và bấm số gọi lại. Đến lần thứ ba một giọng “hello” đầu dây bên kia. Tôi xin gặp cô Thủy, thầy Liễn nhưng cả hai đều đã ra ngoài. Chị nói giờ này chỉ có thầy Chi. Thú thật, tôi rất ngán thầy Chi vì giọng nói ào ào, huỵch toẹt của thầy. Thôi đành! Giọng thầy vang ở đầu dây bên kia:
- Tôi nói anh Khải đón hai chị rồi, giờ tôi sẽ gọi lại cho anh Khải. Nếu không liên lạc được các Chị cứ ở yên đấy, tôi sẽ ra liền.
Ui! hú vía. Trở ra báo với Nhịn, tôi quay lại bắt đầu tìm anh Khải. Theo lời thầy Chi tả, cuối cùng cũng tìm thấy anh. Có lẽ đợi lâu nên anh cũng mỏi tay không giơ được cái bảng tên lên nữa. Bước lại gần tôi hỏi:
-  Xin lỗi, anh là anh Khải?
Anh gật đầu lia lịa, chắc cũng  mừng có phần hơn cả bọn tôi vì chồn chân mỏi gối hơn hai giờ liền! Chào hỏi xong, Nhịn - bạn đi cùng - nhận ra anh là người quen, cả hai đều mừng rỡ. Quả đất tròn, quá tròn.
Sau khi đến nhà thầy Liễn, cô Thủy, ăn uống, chuyện trò cùng các thầy cô, anh chị cựu học sinh đang có mặt ở đó (Tôi sẽ không nói thêm sự ân cần, chu đáo của thầy cô vì đã có rất nhiều bài viết ca ngợi rồi), cô Thủy gợi ý - Minh  Khuê, Nhịn và tôi - sẽ về tạm trú ở nhà thầy Chi. Thực ra, hôm gặp thầy ở Việt Nam, thầy rất nhiệt tình mời bọn tôi cứ đến chỗ thầy nếu đến Washington, DC. Nói thế, nhưng nghe thầy ăn chay trường, bọn tôi cũng ngán. Mấy người tu hành đắc đạo vậy chắc còn khó hơn thời trai trẻ?! Mặc dù khi dạy lớp tôi, thầy cũng hay “ khủng bố tinh thần”, nhưng lớp tôi là lớp đặc biệt, nên mấy chiêu của thầy không đủ ép phê cho lớp 53 nữ sinh, lại chẳng có đứa nào không nghịch phá. Nghĩ thầm. lúc đó là cả lớp, giờ chỉ còn ba đứa- mà Minh Khuê thì hiền thục hơn bọn tôi nhiều.
Minh Khuê
Nghĩ là vậy, nhưng cả ba đứa cũng líu ríu lên xe, thầm mong nhà thầy không có roi để vừa 9 giờ tối lùa bọn tôi đi ngủ như con nít là được rồi.
Nhưng sự ngạc nhiên bây giờ mới bắt đầu. Vừa lái xe, thầy vừa chỉ cho chúng tôi chỗ này là cơ quan, chỗ kia là trường học. Thầy nói những đặc điểm của thành phố Washington, DC cũng như nước Mỹ. . Nghe giọng thuyết minh sôi nổi, hào hứng cua thầy, sự mệt nhọc tôi cũng vơi dần. (Tôi và Nhịn đều muốn đến Mỹ trước 1-2 tuần để thăm người thân trước khi đi Washington, DC, nhưng theo lời khuyến cáo của thầy, xin đi dự hội trại ở đâu nên xuống phi trường ở đó để tránh những rắc rối).
Tới nhà thầy rồi đây, lại là ngạc nhiên khi xe chạy vào một “lối trúc quanh co khách vắng teo”. Hỏi Thầy: Sao ở đây lại có một ngõ vào rợp bóng tre như vậy. Thầy trả lời: mình trồng rồi người ta cũng trồng. VN trong lòng nước Mỹ. Tuyệt vời.
Ngôi nhà của Thầy khá cổ kính. Nhìn cách bài trí đồ đạc trong nhà có thể hiểu chủ nhân có tinh thần hoài cổ. Thầy nói tất cả trang trí nội thất đều do thầy tự thiết kế và thi công luôn. Thầy chỉ cho bọn tôi ba phòng đều có giường gối tươm tất. Đây chắc là phòng ngủ của các con thầy, phòng nào cũng có cửa sổ nhìn ra cây cối xung quanh. Hướng dẫn cho chúng tôi xong thầy bảo:
-Tôi ăn chay, các chị ăn gì thì tự nấu nhé!
Thực ra Cô Thủy đã cắp nắp thức ăn cho chúng tôi rồi, nhưng bọn tôi cũng đồng thanh.
-Thầy không phải lo đâu, tụi em mệt quá chắc cần ngủ hơn ăn!
 Quả vậy, đặt lưng xuống là cả ba đứa không còn biết trời trăng chi nữa dù hơn 7 giờ bên này trời vẫn còn nắng chang chang.
Chẳng biết thời gian trôi qua bao lâu, cho đến khi nghe tiếng thầy oang oang:
- Dậy ăn cơm, ngủ mãi thế !
Khổ chưa, thầy nấu cơm cho trò ăn. Bọn tôi vội bật dậy như lò xo.
- Thầy đợi cơm bọn em sao?
- Không tôi ăn rồi, giờ tôi đi ngủ. Nhưng tôi nấu phần cơm các Chị, có rau luộc và trứng nữa đấy!
 Một cảm giác ấm áp lan tỏa, tôi thấy thầy như người anh cả chăm sóc những đứa em đi xa về với tính nghiêm nghị và yêu thương. Tôi hiểu sau những lời lẽ không mấy ngọt ngào vẫn là tấm lòng trìu mến thầy trò bao năm còn đó.
 Sáng hôm sau, thầy dậy rất sớm, dẫn chúng tôi đi bộ. Thầy trò đánh vòng dọc theo con đường từ nhà thầy qua các khu lân cận. Vẫn giọng sang sảng, thầy giới thiệu các cao ốc, trường sở, tòa lãnh sự các nước; giải thích tại sao tòa Đại sứ Isarel và một vài nước Ả Rập lại được dời về gần nhau. Thầy dẫn bọn tôi chỉ cây táo, hậu duệ của cây mà ông Newton đã nhờ đó phát minh nguyên lý vạn vật hấp dẫn. Trêu chọc thầy, tôi chỉ một ông Mỹ to đùng:
- Tay gác cổng đang nhìn thầy kìa?!
Thầy rất hồn nhiên trả lời:
- Ở đây tự do, các công ốc đều phải mở cửa cho người dân nào muốn vào tham quan.
- Không phải vậy, mà ông ta đang muốn hỏi sao một ông vừa già, vừa không đẹp lại có thể có ba phụ nữ xinh đẹp tháp tùng!!!
Câu này tôi ghi điểm vì thầy không trả lời được.
 Sáng 2/7 khi chúng tôi trở lại nhà thầy Liễn, quang cảnh rộn ràng. Các Anh Chị đã đến sớm để phụ giúp việc chuẩn bị ngày tiền đại hội 3/7. Các thầy cô quây quần trò chuyện nơi phòng khách. Vừa bước lên cầu thang, thầy quay qua cô Thủy:
-Tôi trả mấy của nợ này cho cô! Ai đời chúng nó ngủ thẳng cẳng để thầy nấu cơm cho nó ăn!
 Tôi sững người, mọi khuôn mặt trong phòng đều quay lại nhìn. Xấu hổ quá! Ức quá! Tôi la lớn:
- Chứ không phải thầy chê mấy đứa Việt Nam qua quê mùa không biết xài bếp ga, rồi đốt nhà thầy sao?!
Mọi người cười ồ, thầy cũng cười. Tôi trộm nghĩ chắc cô Diana rất tốt nhịn hoặc cô không rành tiếng Việt cho lắm (Xin lỗi cô, nếu điều này không đúng) nên thầy nói sao cô cũng nghe. Nay trúng mấy con học trò quỷ quái, mồm miệng tía lia, trời không chịu đất, đất phải chịu trời!
Tôi nhớ một kỷ niệm cũ: Đó là năm lớp 11, buổi sáng thứ Hai, lớp tôi được cắt đặt hát quốc ca vào lễ chào cờ đầu tuần. Một lớp trên 50 nữ sinh, không có một nam sinh nào, làm sao bài quốc ca cất lên hùng dũng như các lớp khác được. Thế mà thầy phạt, cho cả lớp ra đứng trước cột cờ phơi nắng! Lớp trưởng là tôi năn nỉ mãi thầy chẳng tha. Được chừng nữa giờ, T. Trinh bắt đầu phát pháo: Thầy ơi! Hôm nay trời đẹp thật! Im lặng. Lại một bạn khác: Thầy ơi, thầy cho bọn em đứng đây làm thơ sướng thiệt, khỏi phải học. Im lặng. Thầy ơi mỏi chân quá cho tụi em ngồi xuống đất đi. Cứ thế chốc chốc lại… “Thầy ơi”. Coi bộ không ổn, thầy quát lên: Vào  lớp. Năm mươi mấy đứa tôi, không vội vã cứ thong thả đếm bước. Tưởng vậy là xong án phạt. Khi ai nấy vào chỗ chờ lệnh được ngồi thì bất chợt thầy hô lên: Quỳ hết lên ghế cho tôi!?! Hic, quỳ thì quỳ. Chỉ năm phút sau lại một điệp khúc…. Thầy ơi, thầy sỉ nhục chúng em, chúng em sẽ méc thầy Hiệu Trưởng… ..Thầy ơi, thầy ác thế sẽ không có con nối dõi đâu v…v.. Coi bộ mãnh hổ nan địch quần …hồng, thầy quát lên: Các chị có im hết không? Và một bài moral đến 15 phút cũng vừa lúc chuông reo hết giờ. Xin mở ngoặc: lớp tôi vào trường là 7A4, toàn nữ sinh, phá vào bậc nhất nhì trường. Vậy mà, chưa bao giờ bị phạt bởi các thầy giám thị, nên tôi rất ngạc nhiên khi nghe các lớp bảo nhau… thầy Liễn “hắc ám”, thầy Trạch “khó ưa”..v.v. Có điều khi xong tú tài I, với tỉ lệ đậu 98%, nhà trường đã chia lớp và ghép nam sinh vào với lý do, là lớp đầu trường mà phá thế thì mất kỷ cương hết.
                                     
 
Tối 2/7 là đêm rất dài vì không ngủ được. Trằn trọc đến 2 giờ sang, thấy phòng bên cạnh sáng đèn.  Hóa ra Minh Khuê cũng còn thức.  Hai chị em thấy đói bèn rủ nhau lục lọi căn bếp nhà thầy. Lại nói về nhà bếp rất đặc biệt. Thầy nói mọi thứ tủ kệ đều do Thầy tự đóng. Phải công nhận thầy rất khéo tay. Sẽ khó tin cho bàn tay cầm bút có thể làm những việc lao động chân tay như vậy. Một chút ngậm ngùi cho những đổi thay cua thời cuộc khiến cho những thầy cô giờ phải rời xa phấn trắng bảng đen. Có chăng thầy vẫn nhớ đến quá khứ tươi đẹp và nỗi nhớ quê nhà khiến căn nhà thầy có rất nhiều vật dụng trang trí mà Thầy cất công đem về sau những chuyến thăm lại Việt Nam.

 Sáng 3/7, với tâm trạng náo nức, chúng tôi dậy sớm chuẩn bị cho đúng giờ, kẻo trễ thế nào thầy cũng phát tin rằng bọn tôi đi chơi khuya về ngủ nướng. Khi tới trước nhà thầy Liễn, xe đã đậu kín. Không hiểu nghĩ sao, hay quá cảm động vì gặp lại bạn cũ, trò xưa, thầy cho xe tấp ngay sát cổng xém chút nữa là va quẹt vào xe ai đấy. Nghe tiếng la: Stop, Stop. Thầy thò đầu ra la toáng lên: Mấy cô này nói rằng không đi bộ được! Lại một phen tam nương phải chịu cảnh bao con mắt hình viên đạn chiếu tướng - ức ghê gớm!
Rồi những ngày vui cũng qua mau. Thời gian không dừng lại bao giờ. Dẫu vậy, hình ảnh thầy trong bộ áo sắc tộc Thượng với cồng chiêng rất ấn tượng gợi cho tôi bao suy nghĩ. Biết Thầy vẫn hay ra vào Việt Nam, cùng những hoài bão về giáo dục. Phải chăng như cành bị đốn chặt khỏi cây, thầy vẫn mong trở thành củi đốt để sưởi ấm tâm tình những con em Việt Nam vốn chăm chỉ, hiếu học. Làm người đưa đò, thầy hẳn không muốn buông tay chèo dù đôi khi là ngược dòng. Chúng tôi, những học sinh đã rời bến tản đi bốn phương tám hướng. Những khi nhớ về trường xưa, những vô tư hồn nhiên của tuổi học trò tựa như dòng suối mát tưới cho tâm hồn chai sạn, khô cằn bởi cuộc lữ thứ trần gian.
Bài viết này như lời tạ lỗi về những  nghịch ngợm của “ Ngày xưa còn bé” cũng là lời cảm ơn về những chăm sóc thầy dành cho “tam nương” trong mấy ngày tá túc ở nhà thầy. Mong ước thầy vẫn giữ được sức khỏe để thầy trò còn gặp lại trong những Hội Ngộ tiếp theo.

 Atlanta, July 22, 2010
                                                Nguyễn Hương 65-72                 




1 nhận xét:

Lien ngoc nguyen nói...

Ồ, cây văn Số 1 của lớp chúng ta đã xuất chiêu cho mọi người cùng biết về một mảng của Đại Hội 55 đây mà. Cám ơn Hương nhé!
Nhưng Cái Lớp toàn Quần Hồng của chúng ta được bắt đầu từ năm Đệ Thất 4(65-66)chứ không phải từ lớp 7A4 đâu.Xin được đính chính nhé!