Thứ Ba, 10 tháng 8, 2010

Chuyện về HỘI NGỘ 55 - Nguyễn Thị Sơn Tây



D.C Du Hí Ký
Hay
Chuyện về HỘI NGỘ 55
Chiếc Jet Blue 300 hạ cánh xuống phi trường Dulles đúng 5 giờ sáng ngày 3 tháng 7 năm 2010. Lương Minh Châu và tôi hối hả chạy bay ra khu vực passenger pick up, leo nhanh lên xe của Phan Lan để về nhà cho sớm cho kịp sửa soạn dù biết 10 giờ buổi Tiền Hội Ngộ mới bắt đầu.
Còn sớm quá nên chúng tôi cứ nhấp nhổm đứng lên, ngồi xuống mong cho thời gian trôi thật nhanh.
Cô Ngọc bảo ăn sáng rồi hãy đi nhưng tôi không chịu. Tôi muốn để dành bụng để có thể “ngốn” hết mọi thứ của các gian hàng vì nghe nói có nhiều quán ăn hết xẩy lắm. Chúng tôi rời nhà thầy Phan Ngọc rất sớm nhưng lại sợ đến sớm quá sẽ bị mang tiếng là “ăn cỗ đi trước” nên cứ chạy vòng vòng nhưng cuối cùng thì 9:30 chúng tôi cũng đã có măt tại… gần nhà cô Lâm Thu Thủy và thầy Liễn, Ở gần thôi định nghe ngóng tình hình xem có đông chưa đã rồi mới vào. Ai dè mới lúc đó mà quang cảnh trước nhà cô Thủy đã thật tưng bừng, người vào ra đã rất tấp nấp. Tôi và Phan Lan yên tâm thẳng bước.
Chao ơi! Chúng tôi bỗng ngây người đứng sững. Mình đang trở về trường hay sao đây? Tôi tự hỏi, vì trước mặt chúng tôi cái cổng trường Trung Học Ban MêThuột giống y như ngày đó đang sừng sững với chùm hoa phượng đong đưa. Phía bên trong cổng là những quán hàng nhỏ với cả một rừng người qua lại thật náo nhiệt, tiếng nói cười vui vẻ vọng ra tận ngoài đường. Bây giờ thì tôi chả còn phải e dè gì nữa vì khối gì người “ăn cỗ đi trước” sớm hơn chúng tôi đó thôi.Tôi tự nhủ và mạnh dạn tiến vào. Vừa nhìn thấy tôi nhiều người đã vui vẻ chạy ùa ra chào hỏi (phải xin thưa là vì tôi mắt mũi cận thị nặng nên phần lớn bạn bè nhận ra tôi trước) Cảm động làm sao khi ở giữa vòng tay của thân tình. Càng cảm động hơn khi gặp lại được cả những người bạn của gần 50 năm cũ. Sau một phút nhìn nhau ngẫm nghĩ, tôi vụt kêu lên:”Nguyễn Đình Thụy” và Thụy cũng la lớn:” Nguyễn Thị Nho” rổi tôi lại la tiếp: ” À Phương, cái đuôi của thi sỡi TT ngày xưa đây mà”. Phương cười và chỉ thêm cô em đang đưng cạnh rồi bảo: ”đây cũng là đuôi của TT hôm xưa đây này…”Nói chuyện với vợ chồng Phương Thụy một hồi, tôi đánh một vòng vào sâu phía bên trong sân. Sau khi gặp Cung Duy Bách, Đoàn Đình Nga, Phạm Công Lạc, Nguyễn Ngọc Thiệp…, tôi dõi mắt cố tìm một người, vừa thấy, tôi reo lên rồi chạy lại phía thầy Di, nắm tay thầy và kêu to:” Chào thầy, đố thầy biết em là ai nào?” Tôi tưởng chỉ nói vậy cho có chuyện ai dè thầy Di ghé tai tôi nói nhỏ: ” NTN tức TT, một nhân vật…”đởm lược” chứ gì.
...tôi reo lên rồi chạy lại phía thầy Di
 Tôi phì cười song cũng rất cảm động, biết bao nhiêu năm xa cách, thầy có thể gọi tên tôi ngay, lại còn tặng cho hai chữ ”đởm lược” dù với…ý gì đi nữa thì cũng…”le” chán. Tôi thăm hỏi sức khỏe của thầy đôi câu rồi đánh thêm vài vòng nữa cho có vẻ ta đây thích vui bạn bè chứ không lý gì tới ăn uống cả dù mắt vẫn liếc liếc các khay thức ăn và mũi vẫn hít hà. Đang lơ mơ ngó quanh, ngó quẩn thì một cánh tay bỗng choàng ngang vai tôi cùng với tiếng la: ” bà Nho”. Tên nào đây, tôi ngước vội lên nhìn, chưa nghĩ ra thì may quá trông thấy ngay được cái bảng tên nên vội reo lên” A Trần Văn Chỉnh”. 
...nên vội reo lên” A Trần Văn Chỉnh”
 Tôi thật vui mừng gặp được anh chàng này, người đã cùng tôi “song bút hợp bích diệt bạo trừ gian” ngày nào. Đây là lần đầu tiên Chỉnh và tôi gặp nhau.Lạ quá đúng là “phút đầu gặp nhau” thật nhưng tinh tú không hề “ quay cuồng”, Chúng tôi cùng cười cười, chụp với nhau vài tấm ảnh rồi mạnh ai nấy...cút. Đáng lẽ chúng tôi cũng có nhiều điều để nói nhưng không khí chung quanh ồn ào quá nên đành chia tay. Lúc đó tôi không biết là tên Chỉnh phụ trách món bún bò trong bếp nhà cô Thùy nếu không đã đòi thử để xem lúc trước cu cậu có nói phét về tài nấu nướng không. Đi thêm một vòng tôi gặp Võ Thị Lành, Võ Túc Trí, Lâm Mỹ Linh…,những nhân vật thường được tôi xếp vào hàng…đối thủ. Ủa nhưng sao lạ quá các cô hôm nay sao cô nào cô nấy thân hình đều bé tí tẹo, thon gọn vô cùng. Tôi ghé tai hỏi nhỏ Võ Thị Lành là các cô mần răng mà thon dữ rứa? Lành ỏn ẻn bảo tụi em đai ẹt ba tháng trước khi đi đấy.“Các cô này tệ thật thế mà không rủ mình”.Tôi đã thầm nghĩ thế, nhưng hôm sau mới biết là vì các nàng có màn trình diễn “xiêm y” nên mới chịu khó thế. Đang đứng tôi nghe có tiêng của nữ “Thượng vũ sư” Tuyết Nga nói “đây là Lâm Mỹ Linh, không phải Nguyễn Thị Nho”.Tôi vội chạy lại mới hay là anh MC Linh Vũ đã choàng lầm vai nàng Mỹ Linh vì tưởng là NTN. Trong hình thì LML có vẻ hơi giống NTN thật, nhưng ở ngoài thì cô nàng này xinh thật là xinh, hôm nay nàng lại thon ơi là thon thế mà LV lại lầm với bà ba béo này thì hẳn là cô nàng phải buồn 5 phút rồi. Đảo đảo thêm nhiều vòng nữa để thẩm đinh số người tham dư nhưng eo ơi đông quá, làm sao mà thẩm với định đây. Tôi chỉ nhận diện được một số khuôn mặt quen thuộc và có một nhận xét khá vui là Florida thì hầu như có đủ các gương mặt thân quen. Houston cũng thế, lực lượng Houston, Texas…thật hùng hậu, gần như đủ cả. Tên Cung Duy Bách chưa từng tham dự kỳ đại hội nào nay cũng có mặt. Bắc Cali ngoài các khuôn mặt quen thuộc, còn thêm nhiều khuôn mặt mới. Cặp vợ chồng thầy Đặng Kim Qui vẫn là một đôi đẹp nhất với dáng vóc thanh lịch…”vượt thời gian”. Làm đông hơn cho lần họp mặt kỳ này phải kể đến một con số học sinh đáng kể từ VN qua mà nghe đâu là học trò của cô Thủy và toàn là những người thuộc loại ăn nên làm ra, cỡ khách sạn năm, bẩy sao gì đó. Từ ngàn dặm bay qua đây, những người này hẳn cũng muốn bày tỏ lòng biết ơn nồng nàn nhất của họ với người cô giáo năm xưa. Riêng Nam Cali thì hầu như các nhân vật một thời…”danh trấn giang hồ” đều có mặt dù hôm nay không phải là…”đai hội quần hùng” để quyết định số phận của “tich tà kiếm pháp”. Phía các thầy cô giáo thì các giáo sư từ khắp năm châu hầu như có mặt hết nhưng đa số là các vị trẻ, dạy sau này. Những giáo sư cũ thời chúng tôi chỉ có vài người như thầy Qui, thầy Ngọc, cô Tiên và đăc biệt là thầy Di từ VN sang. Những vị thầy xưa của chúng tôi nhiều người còn ở VN như thầy Phạm văn Đồng, Đỗ Minh Giảng, và Nguyễn Văn Toản. Nhiều thầy vì lý do sức khỏe không thể tham dự như thẩy Đào Văn Sơn, bị tai biến mạch máu não khiến đi đứng không thuận tiện, thầy Nguyễn văn Khánh, tuổi già khiến tay chân cử động đã rất run rẩy và nhiều thầy khác đã vĩnh viễn ra đi như thầy Đỗ Trọng Thạc, Lê Xuân Viên, và Phạm Văn Thắng...Hôm nay đây trong niềm vui hội ngộ của lần sinh nhật thứ 55 của trường dù không gặp được tất cả các thầy, tôi cũng thật mong được nói  hay được nghe nói tới lời tạ ơn với các thầy hay ít nhất cũng thắp được nén hương tri ân cho những người quá cố.
Buổi Tiền Đại Hội ra sao, có những gì, vui như thế nào thì nhiều bạn đã kể và tôi hoàn toàn đồng ý là “chưa có bao giờ nhiều vui như hôm nay”, vui vì khung cảnh đẹp, món ăn ngon, vui vì không khí đoàn viên hội ngộ…,như nhiều người đã trầm trồ. Riêng với tôi thì vui còn vì nó cho ta nhìn thấy sức mạnh của thương yêu đoàn kết như mặt sau của tấm bảng ở cổng trường đã ghi: ĐOÀN KẾT, TỰ TRỌNG bởi ngoài óc tổ chức, tài lãnh đạo, cô Thủy và thầy Liễn còn cho ta thấy họ đã có một nhiệt tâm đáng kể và nhiệt tâm này đã được sự ủng hộ rất tích cực  do lòng rất mực thương yêu từ bằng hữu, từ học trò và từ cả xóm giềng. Không có sân trước của hai nhà hàng xóm, cái sân nhà cô Thủy sẽ không đủ chỗ chứa cho bấy nhiêu hàng quà bánh, chè cháo. Không có sự thông cảm của hàng xóm thì sự ồn ào, nhộn nhịp của trên dưới hai trăm người suốt cả ngày chắc sẽ bị cảnh sát hỏi thăm. Không yêu thương Thủy bạn bè đã không vất vả đến trước nhiều ngày để giúp cô chuẩn bị các món ăn tươm tất, có nhiều hương vị ngọt ngào của nước mắm mà đa số phụ nữ trẻ già đều mê. Các vi khác đã khai báo khá nhiều món ăn, nhưng có một món đặc biệt nhất, do chính tay cô Thủy làm, tôi chưa thấy ai nói đến đó là món “Ô Mai Cam Thảo”.Trời ơi món này ngon không chịu được. Ngoài chuyện ngon ra nó còn gợi lại cho ta cái thuở học trò, cái tuổi ô mai mười lăm, mười bảy mà tất cả đám kẹp tóc chúng tôi đều đã trải qua. Riêng tôi nó đã gợi lên nhiều kỷ niệm và vì nhớ kỷ niệm quá, ăn xong tôi đã "thủ" một nắm về nhà nhâm nhi suốt buổi tối. Thôi stop chuyện ô mai để nói về chuyện cô Thủy được yêu thương ra sao nhé. Riêng cô Thủy thôi chứ thầy Liễn thì chưa chăc ạ. Làm sao mà... thương nổi cái ông thầy mà cứ hễ gặp mặt là nói chuyện chép phạt với cấm túc vì lúc ấy mấy ai trong chúng ta đã nhìn thấu được cái “chính sách" yêu cho roi, cho vọt của cha mẹ và thầy giáo? Ngọt bùi thì vẫn hơn chứ. Hồi đó NTN nhiều khi cũng đã phãi nín thở khi nghe tiếng giầy lộp cộp của thầy đi ngoài hành lang. Chả là lúc đó không rõ có phải vì tâm trạng…nổi loạn không mà NTN lại rất thich mặc quần áo đen (không phải vì béo đâu nhé, theo nhiều người thì hồi đó không những Nho ta không béo mà còn “sexy” là đằng khác) có lẽ vì nghĩ rằng như vậy sẽ có vẻ “ngầu”. Vì không mặc đồng phục nên tôi thường trốn chào cờ, đi cổng sau và chui luôn vào lớp ngồi để tránh cặp mắt lừ lừ của thầy Liễn và thầy Đĩnh (các ông Giám và Tổng Giám) thôi chứ các thầy cô giáo thì không ngán vì biết họ chán quá rồi đâu thèm nói tới con nhỏ lì lợm này. Vì ớn các vị này cho nên khi nghe tiếng giầy lộp cộp của các vị là tôi lo chuẩn bị tư thế sẵn sàng để có thể “thụp” xuống gầm bàn ngay khi các ngài xuất hiện ở cửa lớp.Tin rằng lúc ấy các thầy không muốn… dây với hủi nên mắt nhắm, mắt mở chứ nêu không NTN đã bị tóm cổ nhiều lần là cái chắc. Vâng, bây giờ trở lại chuyện cô Thủy được …”yêu” ra sao nhé. Phải nói lúc đó người đàn chị này cũng rất thich…bé Thủy. Chị Nho đã nhiều lần đạp xe đi sau nàng để ngắm dáng vóc thanh thanh của nàng trong bộ đồng phục bằng VẢI trắng(vải chứ không phải NILON như nhiều cô thường mặc) với đôi guốc rông quai nhựa và chiếc cặp sách bằng da ôm trước ngực cùng mái tóc dài lơi lả trên đôi vai gầy. Lúc đó Thủy đúng là hình ảnh của môt nàng thơ mà các ngài thi sĩ thường tả.Tôi mê nàng quá nên có lần nhân cơ hội làm bich báo đã dùng toàn màu tím vẽ nàng với mái tóc dài và cặp mắt mở to long lanh như ngấn nước. Bức hình này được lấy tiêu đề là “CỦA ĐỢI CHỜ” dán ngay trên bức tường bên hông văn phòng ( dán ở hông văn phòng nơi có nhiều người qua lại cho họ có cơ hội thưởng lãm chứ không phải vì có ý định… giới thiệu cho thầy Liễn).Thầy Liễn đi ngang hỏi tôi sao không phải là “ĐỢI CHỜ” mà lại là “CỦA ĐỢI CHỜ”.Tôi không giải thích mà chỉ nói rằng hai cái tên đó nó khác nhau thầy ơi. Vâng nó khác nhau phải không quí vị.Tôi kể lại chuyện này chỉ để chứng minh rằng cô Thủy được yêu thương lắm lắm.Tôi mà còn yêu cô thế huống chi các chàng tuổi trẻ tài cao và cả các nàng luôn kề cận và được nghe cô thỏ thẻ. Vâng, không yêu thương thì chả ai vất vả đến trước cả mấy ngày để chuẩn bị cái cổng trường rất đẹp và rất giống kia. Cả bức tranh vẽ cái cổng trường làm phông trên sân khấu nữa chứ. Có người nào lại không thấy bồi hồi khi nhìn những hình ảnh thiếu nữ áo xanh tha thướt trước cổng trường năm xưa để mà hồi tưởng lại một thuở nào bảng xanh, phấn trắng. Thật đúng như là lời của bái hát:
Tôi yêu một giấc mơ,
Chưa tan vừa mới qua,
Nhớ đâu hơn trường xưa
Hôm nao còn đứng kia,
Môi xuân hồng cánh hoa,
Tà áo bay sau hè…
 
Như quý vị đã nghe nhiều người kể. Chương trình Đêm Hội Ngộ cũng thật phong phú với hầu như mục nào cũng có, không thua gì một đêm đại nhạc hội.Tôi sẽ không kể lại vì sợ lối viết kém tài của tôi sẽ làm hỏng đi thi vị của nó. Ngay sau buổi Đại Hội tôi làm một vòng qua nhiều tiểu bang mãi gần cuối tháng mới về. Đã định bụng không nói gì vì tôi đã thấm thía cái câu…"nói cho nhiều cũng vậy thôi" song nhiều cú phôn của bạn bè thăm hỏi khiến tôi chợt nghĩ đến việc ghi lại vài cảm xúc để chia sẻ với bằng hữu. Suy nghĩ của tôi có thể có điểm đúng và cũng có điểm sai, cũng có thể có điểm chẳng giống ai song có thế ta mới cần góp lại để chia sẻ. Vả lại thế cũng tiện, bạn bè tôi có ai muốn nghe tôi nói thì tôi chỉ việc bảo họ hãy tìm đọc thay vì phải gân cổ lên hàng giờ để ba hoa chích chòe.
Vói A Nguyễn Đình Thụy
Vâng, thưa quý vị. Với tôi Hội Ngộ 55 quả tổ chức thật công phu, rất tốn kém cả nhân lực lẫn vật lực .Buổi Tiền Hội Ngộ với chiếc cổng trường và các hàng quà bánh khiến chúng ta như sống lại những ngày xưa thân ái cùng ngồi với nhau nhồm nhòam nhai mẩu bánh mì, ăn đĩa thịt bò khô, mút mát miếng cóc dầm, tầm duộc chua chua ngọt ngọt hay cười toe với ly đậu đỏ bánh lọt… Tôi tin rằng ai cũng như thấy mình trẻ lại trong không khí này và càng thấy nhớ thương ngày tháng cũ. Cảm xúc này dễ đem chúng ta lại gần nhau và dễ làm ta thỏa mãn để quên đi mọi suy nghĩ phiền toái khác.
Tôi cũng đồng ý với rất nhiều vị là chương trình đêm Đại Hôi thật phong phú với nhiều tiết mục tập luyện thật công phu và đầy ý nghĩa. Chỉ tiếc rằng chúng ta hầu như đã quên vì sao ta họp mặt. Tôi đoan chắc nhiều học sinh và ngay cả giáo sư cho đến bây giờ vẫn chưa nắm vững được Trung Học Ban Mê Thuột đã được sinh ra và lớn lên như thế nào. Giá mà Ban Tổ Chức chịu dành ra đôi phút để nói về ngôi trường của chúng ta đã được hình thành ra sao, những vị giáo sư tiền nhiệm đã gian khổ thế nào, các anh chị học sinh thuở đầu tiên đó đã phải học hành trong môi trường nào và vì sao hôm nay con số hiện diện của họ lại ít ỏi đến vậy, nhất là vị Hiệu Trưởng đầu tiên của trường chúng ta đã cật lực thế nào để sản sinh ra nó thì buổi tổ chức này sẽ thật hoàn hảo. Bởi vì thầy Đỗ Trọng Thạc là vị hiệu trưởng đầu tiên và duy nhất đã quá cố cho nên tôi cứ luôn mong mỏi được thấy hình người trong ngày Đại Hội để chúng ta cùng có thể thắp nén hương lòng tưởng niệm  hay ít ra tên tuổi người cũng được nhắc  qua như những kỷ niệm của ông bà thường được nhắc nhở lại cho con cháu trong ngày giỗ chạp thì quý và ý nghĩa biết bao!

Cả hai lần Sinh Nhật 50 và 55 năm của trường, lich sử ngôi trường đều không được nhắc tới, người đã gian khổ sản sinh ra nó cũng không được ghi nhận, với tôi là một điều thật đáng tiếc. Tôi thật thiết tha nêú có lần sau (mà chắc chắn là phải có lần sau) thì BTC nào đó xin hãy ghi nhận và đáp ứng yêu cầu này.
 
Dư luận cũng bay về tới tận đây tới tai cả người không phaỉ h/s, g/s là NTN đã quá… “chi tiết” khi mở phong bi quà biếu cho thầy Di.Trước nhất tôi xin ghi nhận và cảm ơn lời phê bình này song cũng xin thưa là tôi đã có hội ý việc này với vài bạn trong nhóm. Bản thân tôi cũng muốn minh bach để sau này khỏi bị phê bình là…"tiền đã trôi theo dòng thác Drayling" như trước đây. Trên thực tế thì ngày nay khi mà các gói quà đám cưới như ly, tách, tranh ảnh…đã được thay thế bằng các "phong bì đỏ" và rất được welcome thì việc minh bạch hóa cái phong bì đỏ của chung bá tánh, chứ không phải của riêng tôi lại có là gì, nhất là tôi cũng có xin ý kiến và được phép thầy Di rồi.
Trên đây chỉ là suy nghĩ của riêng tôi mong được đóng góp để rút tỉa kinh nghiệm. Ngày họp mặt đã qua đi nhưng dư hương những phút giây gần gũi giữa thầy cô, bè bạn vẫn như còn hiển hiện đâu đây, ở trong lòng những người con xa xứ mà Trung Học BMT luôn là điểm tựa để tìm về. Ôi sao mới vừa hội ngộ mà ta hình như đã lại nao nức một ngày mai gặp lại !!!


Thân kính,
Nguyễn Thị Sơn Tây

Không có nhận xét nào: