Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

TRƯỜNG TÔI


Một ngày mùa thu, bất chợt có người hỏi tôi Trường Trung học Banmêthuột nằm trên đường nào ở cái thị xã nhỏ bé heo hút hồi ấy? 
Tôi ngẩn người không biết trả lời sao, bởi lúc đó chưa có tấm bảng ghi tên đường cắm ở ngã tư chỉ ngõ thiên đường!
Đối với một thằng nhóc vừa rời khỏi ngôi trường tiểu học nhỏ bé ở một quận lỵ đìu hiu miền đông Nam bộ, bước vào một ngôi trường trung học bề thế của tỉnh thì quả đó là một điều quá lớn lao!
Tôi như một con cá nhỏ đang thảnh thơi bơi lội trong dòng sông quê quen thuộc ngào ngạt hương thơm của những vạt rừng miền đông, những cánh đồng bát ngát thoảng hương lúa đương thì con gái, đột nhiên bị bắt bỏ vào một cái chậu thủy tinh lạ lẫm với những nhánh rong vật vờ nên hết sức bức bối vì sự tự do bị thu hẹp.
Nhưng thôi, việc đó hãy để sang một bên vì tôi đang muốn nói tới tình yêu của tôi với một ngôi trường.
Ngày đầu tiên tôi được giáp mặt với nó là đi nộp đơn dự thi vào lớp Đệ Thất ở một ngày cuối thu năm 1960. Ôi chao! Quả là choáng ngợp trước sự bề thế của ngôi trường. Nó to lớn và xinh lung linh như một tòa lâu đài trong mắt tôi.
Đầu tiên phải nói đến cánh cổng đầy vẻ uy nghiêm với một dãy tường thấp xây giật cấp ngăn cách với thế giới bên ngoài ở mặt tiền rồi vòng ra phía sau lưng trường. Được xây bằng đá hộc, bốn cây cột trụ cao thấp trên có tấm bảng tên trường và những cánh cửa được đóng bằng những thanh gỗ mười phân vuông theo hình kỹ hà học khiến tôi mường tượng như cổng tam quan của một ngôi đền nào đó, nhưng nó không được mở rộng trong những ngày sóc vọng. Hầu như quanh năm chỉ mở một cánh cửa hông cho học trò ra vào. Hình như người ta...lười! Rồi mười năm hai mươi năm sau, nó vẫn như thế! 
Một dãy lớp học khang trang được xây trên một triền đất dốc mái lợp fibro-ciment, cửa kính sơn màu xanh lá cây, nền nhà lót gạch bông sang trọng. Một ngôi trường được xây theo phong cách hiện đại và đẹp nhất trong mắt tôi lúc bấy giờ.
Dãy cột ngoài hành lang được ngăn với phần sân bằng những hàng gỗ mười phân vuông sơn màu xanh lá cây lắp song song ba hàng với những cạnh được xếp như hình thoi nhằm ngăn học sinh không ngồi lên đó làm bẩn. Nhưng điều đó có ăn thua gì đối với những cái mông đã chai đòn của những thằng nhóc nghịch như quỷ sứ nên chúng tôi cứ thản nhiên ngồi trên những cạnh nhọn mà đấu láo trong những giờ ra chơi. Có những thanh sắt mỏng ở đầu bậc tam cấp để gạt bớt lớp đất đỏ dính vào giày dép dành cho những ngày mưa. Và nó cũng có cái trống trường bịt bằng da trâu to lớn treo lủng lẳng ngoài hành lang đầu hồi để báo giờ đúng như truyền thống của các ngôi trường Việt Nam thời đó. Thi thoảng ngồi trong lớp ngó bâng quơ ra ngoài khung cửa sổ, tôi thấy có vài con chim sẻ nghịch ngợm đuổi bắt nhau bay ngang chao xuống tang trống rồi vụt đi trốn vào ngọn cây cao vút trước nhà anh Kiểm tài xế của trường mang theo tia nhìn ao ước của tôi. Giá như mình cũng có thể bay nhảy tự do để suốt ngày được rong chơi như chúng nó để khỏi phải ngồi đây nhỉ!
Ba năm sau, khi hoàn thành dãy lớp mới người ta đã trang bị lại hệ thống báo giờ bằng chuông điện và gỡ bỏ cái trống trường đi. Thật tiếc!
Sau nầy có lần nhìn thấy bìa bản nhạc Kỷ niệm nào buồn sáng tác của nhạc sĩ Hoài An do họa sĩ Duy Liêm vẽ minh họa ngôi trường có cái trống, lòng tôi vẫn rung cảm nhiều theo bài hát:
"Ngày đôi ta quen nhau tuổi còn thơ, đi học chung cùng giờ...
Nhặt hoa đem cho nhau ghim vào thơ, đếm đầu tay mà chờ..."
Trong cái trí óc non nớt của tôi hồi đó đã đặt ra một câu hỏi: Sao người ta không dành phần đất bằng phẳng từ ngã tư ra giáp với trường Sư Phạm Cao nguyên xây trường mà lại chọn chi phần đất dốc đến nổi phía đầu hồi bên nhà anh Kiểm cao hơn chiều cao của tôi gần hai lần? Để rồi phần đất trống đó sau nầy dành làm sân tennis và những bãi chứa đá cho Ty Công Chánh. Thảo nào mà học hành ở đó, đầu óc tôi nó cứ nghiêng nghiêng. Kỳ cục thiệt!
Nói tới trường mà không nhắc đến quán chè của Chị Hiệp vợ anh Kiếm thì quả là một thiếu sót lớn. Ở đó có những món chè ngon tuyệt, cóc ổi và đủ thứ chua cay mặn ngọt...Đó cũng là đại bản doanh của quý cô nương tiểu thư điệu đàng trong những giờ ra chơi, trong lúc bọn con trai lo chúi đầu vào những trò chơi trẻ con như bắn bi đánh đáo.
Sau lưng dãy lớp có một mái tôle che nghiêng tạm bợ làm nhà xe cho học trò. Mấy đứa con trai đạp xe tới trường thì cứ dựng đại hay quăng vô hàng xe không thứ tự ngay ngắn gì cả. Đến giờ tan học lấy xe thì chiếc nọ dính chùm với chiếc kia. Không biết có ai còn nhớ cái cảnh phải khệ nệ móc ngược bánh trước xe đạp lên những cái móc đặt sẵn trên xà nhà cho nó...có thứ tự không?
Thời kỳ đó ở mỗi tỉnh người ta chỉ thành lập một trường trung học công lập duy nhất. Bởi thế, sự ganh đua giữa các học sinh bậc tiểu học để được trở thành một học sinh trung học trường công quá gay go! Chính phủ không đủ kinh phí để xây thêm trường học ư? Không đủ giáo viên để giảng dạy ư? Mà cũng có khi đúng như thế thật!
Tám năm tôi ngồi ở ghế trường Trung học Banmêthuột, cơ ngơi của trường chỉ có thêm một dãy lớp mới nằm cặp theo đường Hùng Vương, năm cuối cùng có thêm một phòng thí nghiệm trong chương trình chuyển thành một trường Trung học Tổng Hợp xây kế bên sân bóng rổ không dành cho lứa học trò chúng tôi và mấy hàng gạch xây thô dự định làm lối đi giữa sân trường trơ đất đỏ cùng đám đá cuội lổn nhổn cùng dăm ba cây phượng bé tí teo giữa sân. Chỉ có vài cây loại khác tương đối lớn đã có bóng mát ở phía trước dãy lớp cũ năm tôi học Đệ Nhất là hết. 
Cuối sân bóng rỗ nằm cách một con đường trải nhựa là Ký Túc Xá học sinh dành cho các học sinh người dân tộc thiểu số: Ê-đê, Jarai, Bahnar, Sê-đăng, M'nông, Thái, Mường, Chàm...Những ngôi nhà trệt, nhà sàn được xây cất lộn xộn với những chiếc giường gỗ ọp ẹp một cách tạm bợ dành cho học sinh nam nữ. Họ được chính phủ tài trợ miễn phí ăn ở để theo học bậc trung học nhằm đào tạo một lực lượng trí thức trẻ mới cho vùng đất cao nguyên, nhưng đa số đã bị hụt hơi. Số người bước lên bậc đại học có thể đếm trên đầu ngón tay. Những bạn cùng lớp với tôi có thể kể tên như Y Wher H'Mốc học Trường Quốc Gia Hành Chánh sau về làm Phó Quận trưởng đâu đó trên tỉnh Pleiku, Thành Ngọc Trào dân tộc Chàm cũng học Quốc Gia Hành Chánh...
Có khi mấy tháng hè họ trở lại buôn làng của mình gia nhập lực lượng Dân sự chiến đấu để lãnh lương vài tháng, tựu trường lại cắp sách đến trường như anh bạn Y K’Liu lớp tôi.
Nói thế thôi chứ tôi đã có những tình bạn tuổi học trò rất gắn bó với nhiều người bạn ở đó và vẫn còn lưu giữ mãi trong chốn kỷ niệm của tôi. Tôi vẫn thường vào Ký túc xá vui chơi đàn hát, sinh hoạt học hành và đôi khi còn chia sẻ phần ăn sáng với họ. Ôi! Một nơi chốn có rất nhiều kỷ niệm thời mới lớn chẳng biết có còn không? Những người bạn một thời của tôi còn ai nhớ ai quên? Họ đã lên thiên đàng, xuống địa ngục hay vẫn còn phiêu bạt nơi chốn nhân gian tôi chẳng biết?
Cũng phải nói là có thêm một cái nhà nho nhỏ được-gọi-là-thư-viện do những bàn tay học trò xây dựng nên, và tôi đã có những đêm tuổi trẻ nồng nàn hát hò trong huyễn mộng, nhưng sau đó người ta cũng đập bỏ đi rồi. Khi biết cái công trình đó biến mất, lòng tôi bỗng dưng nghe có chút hờn giận vu vơ.
Lại nói về tên trường cũng có điều đặc biệt. Tôi cũng chẳng hiểu sao khi chuyển trường Trung học Nguyễn Trường Tộ từ khu Nicolas về địa điểm mới thì trường được đổi tên như thế? Ở các tỉnh khác, mỗi trường trung học đều có tên riêng: Nguyễn Hoàng của Quảng Trị, Quốc Học của Huế, Võ Tánh của Nha Trang, Trịnh Hoài Đức của Bình Dương, Pétrus Ký của Sài gòn, Phan Thanh Giản của Cần Thơ...Riêng trường tôi thì lấy ngay tên của thị xã mà đặt cho nó.
Thêm một điều đặc biệt là hầu hết các học sinh trung học toàn miền nam đều mặc đồng phục áo trắng quần xanh, riêng trường tôi thì mặc áo màu xanh da trời. Có lẽ màu đất đỏ sẽ khó giặt sạch hơn trên áo trắng nên chỉ dành riêng cho những ngày lễ. 
"Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường..."
Thơ Nguyên Sa đấy! Sân trường tôi không có lá nên tôi đành yêu lấy...nàng áo xanh vậy!
Con đường đến trường tính từ cột đèn ba ngọn không kể đến những ngày mưa nhớp nháp với bùn đỏ dẻo quánh bước chân, những ngày mùa khô với màu nắng cao nguyên huy hoàng tôi thích đi chầm chậm dưới những đoá hoa sao li ti rụng trên đầu khi có cơn gió đi ngang đoạn qua khỏi Hạt Thủy Lâm phía bên kia đường. Nó chẳng rực rỡ, chẳng thơm tho gì nhưng tạo cho tôi một niềm vui ngồ ngộ khi đi dưới đám mưa hoa ấy. Giá như hồi đó biết làm thơ chắc là thích lắm!
Những tháng cuối năm trời Banmêthuột rất lạnh! Ngôi trường chìm trong đám sương mù như màu mây cổ tích. Thủa ấy đất rộng người thưa, rừng đại ngàn vẫn còn nằm sát quanh thị xã nên khi những ngọn gió mùa đông bắc kéo về xuyên qua dãy Trường sơn trùng điệp cộng thêm hơi đá núi mang theo cái rét lạnh căm căm tràn về thật kinh khủng đối với một thằng nhóc gốc miền đồng bằng.
Hồi ấy...Tôi thích cái từ nầy nhất vì nó chuyên chở nhiều kỷ niệm. Hồi ấy...học trò chưa đông nên thoạt đầu chỉ cần một dãy phòng học chính cũng đã thừa. Buổi chiều hai giờ sau vẫn còn nhiều phòng bỏ trống. Những buổi chiều ấy tôi hay ngồi trên thanh lan can ở đầu hồi, dựa lưng vào cây cột đưa mắt nhìn bâng quơ qua dãy đồi phía tây nam xa xa đang nằm mơ màng trong ánh nắng chiều vàng mơ trải dài uể oải lên đầu ngọn cỏ. Tôi không biết ở bên đó có gì và cũng ao ước được giẫm chân lên lớp bụi đỏ ấy, nhưng mãi đến bây giờ sau hơn năm mươi năm tôi vẫn chưa có dịp lần qua. Thôi cứ để nó mơ hồ như trong những giấc mơ hiếm hoi của một đời người có khi còn hay hơn ấy nhỉ!
Ở đó, tôi đã nhận được sự dạy dỗ, tình Thầy trò, tình bạn và những người bạn cùng thời đã ra đi khá nhiều khi còn ở lứa tuổi thanh xuân. Tôi cũng biết được sự mộng mơ tuổi trẻ và nhất là chạm được cái hương vị tình yêu của tuổi học trò mà nhiều người chỉ dám ao ước.
Tôi có một ví von thế nầy: Ngôi trường cũng như những hình tượng thờ cúng của tôn giáo, nếu không khai quang điểm nhãn thì chỉ là gạch đá. Những căn phòng thinh lặng với chiếc bảng lớn sơn màu xanh lá cây trên tường và những dãy bàn ghế vô tri thì có gì mà lưu luyến và níu giữ kỷ niệm? Một trong những cái bàn của ngày tháng cũ đã được tôi khắc tên mình lên nó đấy!
Sáu mươi năm! Dài bằng cả một đời người. Trường tôi vẫn còn sống mãi trong tâm khảm của bao lứa học trò chính vì chúng tôi đã phả vào nó cái hồn của tuổi mới lớn. 
Có một buổi tối mùa đông gần đây, tôi ngồi uống rượu với vài người bạn trong một quán cóc ở cuối con dốc. Ngước nhìn cánh cổng ngôi trường cũ của mình đã mất đi dáng vẻ ngày xưa, lòng bùi ngùi nhung nhớ xa xôi vì biết rằng chẳng bao giờ tôi còn có dịp đặt bước chân mình lên những thềm học cũ.
Tám năm của một thời tuổi trẻ sôi nổi đâu phải là ngắn. Những kỷ niệm cứ làm xao xác cả tâm hồn và trái tim tôi, nhưng có lẽ tôi yêu trường tôi chỉ vì những điều dung dị vây quanh thế thôi!

HÙNG BI
(60-68)

Không có nhận xét nào: