Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

CÁI-ĐÁM-SÁU-TÁM

(tặng Phạm Đình Đạt)

Có một câu chuyện của một đám học trò cá biệt xảy ra trong thời điểm đặc biệt ở cái năm sáu tám mà mười năm trước đó và chắc là đến năm mươi năm về sau cũng không có trường hợp tương tự nào xảy ra trong lớp ở một trường trung học nơi phố núi.

Xin nói về chữ CÁI-ĐÁM ở đây, thoạt nghe như có vẻ ô hợp và manh động, nhưng đó là nói nôm na để chỉ một nhóm nhỏ học sinh cá biệt mà thôi.
Đối với nhiều người thì đây chẳng phải là một câu chuyện hay ho gì, nhưng nếu có thì giờ rảnh rỗi thì ghé mắt đọc chơi để biết vì sao người ta xếp học trò chỉ sau quỷ và ma về cái mặt quậy phá! Cũng có thể có người cho đây chỉ là chuyện hư cấu thổi phồng để khoe thành tích bất hảo. Riêng đối với tôi thì khi kể nó lại có niềm hạnh phúc như là mình được quay trở lại sống cái thời nông nổi cùng với hương hồn những người bạn học cùng thời. Theo suy nghĩ riêng, khi chạm đến phạm trù tâm linh thì không thể nào nói thêu dệt giỡn chơi được.
Không biết vì càng lớn tôi càng tinh ranh hơn hay do đầu Ngài Tổng Giám thị đã bớt nóng nên từ năm Đệ Tam trở đi, tên tôi đã vắng hẳn trên làn sóng phát thanh mỗi buổi chào cờ của trường Trung học Banmêthuột. Cũng có khi do chuyện học hành tôi đã có tiến bộ, "tiếng lành đồn xa" nên người ta sẵn sàng bỏ qua và giả vờ quay lưng với những vi phạm của tôi bởi cuối năm Đệ Tam thì tên tôi cũng được xướng lên ở rạp xi-nê LODO. Tôi cũng biết-cách-học-hành đó chớ?

Người ta thường nói ngựa chứng là ngựa hay. Bởi nó hay nên không chịu sự điều khiển của người cỡi tầm thường, chính vì thế nó hay có những cú đá hậu bất ngờ hay có những cú nhảy tréo ngoe để hất người cỡi xuống khỏi lưng. Nói thì nói vậy chớ đó đâu phải chân lý! Có những con ngựa chứng bởi bản thân nó cứng đầu chớ chẳng có chút hay ho chi!
Để tôi kể các bạn nghe về vài con “Ngựa chứng trong sân trường” (*) của Trường Trung Học Banmêthuột vào cái năm sáu tám ấy. Đây giống như tôi muốn nhắc lại một kỷ niệm của tuổi học trò để tưởng nhớ những người bạn học của tôi đã đi xa từ rất lâu.

Sau những tháng ngày trầy trật học hành bằng cái thói cỡi ngựa xem hoa, tôi cũng đút túi được tờ giấy Chứng Chỉ Tú Tài phần thứ nhất của Hội đồng khảo thí Nha Trang. Hì…hì…Chẳng thế mà ông thầy dạy Anh Văn khi biết bọn tôi có tên trong danh sách những thí sinh thi đậu đã mỉa mai:
- Suốt ngày có mặt ngoài đường mà chúng mầy cũng thi đậu được à? Có lẽ giám khảo họ cho điểm nhầm rồi! (Tôi vẫn còn nhớ nguyên văn câu nói “để đời” ấy sau bốn mươi tám năm đấy!)
Trong suy nghĩ của chúng tôi, tương lai là một màu hồng vì dù sao cũng đã được thừa nhận là những người “có học” (lúc đó hơi hiếm nha!) và trong cuộc mưu sinh sau nầy chắc cũng đỡ chật vật.
Rồi lứa thanh niên chúng tôi sau khi có tờ giấy lận lưng đó phải đến Tòa Tỉnh để khai Lược giải cá nhân theo luật định, bổ sung vào nguồn tài nguyên sĩ quan của quân đội. Thực ra điều ấy trước mắt cũng không ảnh hưởng đến cuộc đời chúng tôi bao nhiêu vì theo quy chế của sĩ quan trừ bị thì đợi đến khi tròn hai mươi ba tuổi quân đội mới réo gọi, có nghĩa là chính phủ cho chúng tôi có đủ thời gian tốt nghiệp bậc đại học. Lại thêm một tờ giấy lận lưng nữa! Từ lúc đó trở đi, chúng tôi phải sống cùng mớ giấy tờ đủ loại trong túi để chứng minh cho cái nhân thân, cái năng lực, cái hệ lụy với cuộc đời xoay quanh…
Đang nhởn nhơ hưởng thụ cuộc sống tươi đẹp cơm cha áo mẹ công thầy, trận tổng tiến công Tết Mậu Thân đã giáng xuống số phận lứa thanh niên chúng tôi một đòn chí mạng. Trước đó, chiến tranh ở đâu tận xa xa không mấy ảnh hưởng đến cuộc sống chúng tôi ngoài những người lính vẫn thấy hàng ngày trên phố, hoặc những chiếc xe quân sự lấm đầy đất đỏ chạy ngang thị xã. Hay những dịp nghỉ hè về chơi chốn quê nhà cũng được nghe tiếng súng nổ đạn bay trong đêm tối mịt mùng. Vậy mà bây giờ những điều tồi tệ của chiến tranh đã hiển hiện ngay sát cạnh chúng tôi. Tiếng bom đạn, nhà cháy, người chết…tiếng phóng rocket của những chiếc Cobra cá lẹp, tiếng động cơ phản lực F5 đánh bom khu Nicolas như xé tan khoảng không gian ngay sát trên đầu nghe thật rợn người. Và cũng phải gom góp quần áo đồ đạc để chạy loạn. Nhà của Nguyễn Văn Việt bạn cùng lớp ở suối Đốc Học đã lãnh một trái pháo từ phía bên kia, nhà cháy người chết nên hắn phải bỏ học đi làm phụ hồ nuôi em lúc Quân Y Viện tỉnh đang xây mới. (Hắn đi Thủ Đức cùng khóa và chính tôi đã xúi hắn vào Thủy Quân Lục Chiến. Rửa chân lên bàn thờ ngay trận đầu tiên và được vinh thăng Thiếu Úy).

Hoảng hốt trước trận tổng tiến công ấy, nhà cầm quyền lúng túng đưa ra nhiều biện pháp đối phó. Bộ Quốc Phòng và Bộ Giáo Dục đã ngồi lại bàn thảo với nhau và đưa ra một quyết định mà theo tôi là khá ngây ngô và phung phí vì chỉ hao tốn thời gian, tiền bạc vô ích và chỉ làm tổn hại tinh thần chúng tôi thôi: Chương trình Quân sự học đường.
Sau tết đi học lại, mỗi thứ năm bọn thanh niên trai tráng chúng tôi phải nghỉ học tập trung tại sân trường để những chiếc xe GMC đưa xuống trung tâm huấn luyện Địa phương quân và Nghĩa quân của tỉnh Darlac…học quân sự. Để tôi nhớ lại coi mình đã học được những gì trong những ngày tháng đó. Chỉ như một bầy vịt lộn xộn được người ta chia ra thành từng nhóm nhỏ cho có trật tự và được giảng giải về tổ chức của quân đội như tiểu đội, trung đội…Tập đi đều một hai nhìn cho đẹp mắt, chỉ cho biết cách nhận diện các loại súng ống…Tất nhiên là người ta cũng “phủ dụ” về nhiệm vụ của người trai phải đứng ra bảo vệ khi tổ quốc lâm nguy, vân vân và vân vân…
Tôi không nhớ là có được “bao” bữa trưa không? Hì…hì…

Lại có một sự trùng hợp ngẫu nhiên làm tâm trạng chúng tôi thêm chao động. Bấy giờ, rạp xi-nê LODO chiếu phim LE PONT. Phim kể về một lớp học sinh trung học ở Châu Âu thời Đệ Nhị Thế Chiến. Chiến tranh đã kéo ngoặt cuộc đời họ sang hướng khác, khởi đầu bằng một quả bom rơi xuống đầu cầu thị trấn họ đang sống rồi nó cuốn theo những chàng trai trẻ ra đi và kết thúc bằng những phận người bi thảm bởi đa số đã không còn được trở về hoặc đã bị tật nguyền. Hiếm hoi một trường hợp còn lành lặn thì đầu óc anh không được bình thường với bao nhiêu suy nghĩ ngổn ngang, rồi người bạn gái thời trung học khi gặp lại đã trở thành kẻ xa lạ bởi anh đâu còn được như xưa. Nội dung phim như vậy bảo sao không tác động tiêu cực lên suy nghĩ lớp thanh niên chúng tôi lúc bấy giờ?
Chỉ qua một đêm giao thừa Tết Mậu Thân ấy, số phận chúng tôi đã rẽ qua một khúc ngoặt đớn đau. Con đường đời những tưởng được trải bằng hoa hồng bị thay thế bằng con đường binh đao đầy bất trắc và gian khổ. Vậy còn cố gắng học hành mà đỗ đạt làm chi nữa? Thôi thì cứ thả trôi lửng lơ những ngày tháng còn lại hiếm hoi theo ý riêng của mình…cho vui (?). Tâm trạng chúng tôi lúc đó chỉ cần một từ cũng có thể mô tả chính xác được: CHÁN!

*****

Để tôi điểm danh lại cái-đám-sáu-tám coi: gồm Lê Minh Thuận, Diệp San Hà, Nguyễn Ty, Đỗ Văn Cư, tôi…lâu quá có khi thằng nhớ thằng quên. Cũng nhân dịp nầy mà lập bảng Lý lịch trích ngang từng thằng luôn:
- Lê Minh Thuận: nhà ở con đường dưới xa phía gần đường đi Châu Sơn có bán khô nai. Đi khóa 7/68 Thủ Đức vì nó lớn tuổi hơn tôi. Bảng tên hắn thêu như vầy: T.M.Thuận. (là cái chữ T giống anh Nguyễn Mạnh Dũng con trai Thầy Quang đó. Trời ạ!). Nhà bà chị hắn ở Sàigòn ngay đầu cầu Băng Ky, chúng tôi đã có dịp đi cùng Phạm Hữu Chí họp mặt nhau nhậu ở đó năm 69 một lần. Không biết ra trường sĩ quan đi thứ lính gì.
- Diệp San Hà: nhà ở khu Nicolas, tanh bành sau trận Mậu Thân. Pilot trực thăng.
- Nguyễn Ty: nhà in Quảng Giao đường Y-Jut. Cùng phòng ở Thủ Đức. Sư Đoàn 23 Bộ Binh.
- Đỗ Văn Cư: nhà may Thừa Thiên đường Nguyễn Thái Học. Thằng nầy văn vẻ cũng thuộc loại khá. Cùng khóa Thủ Đức. Tiểu khu Bình Thuận. Đi lính mà còn chụp hình hành quân làm kỷ niệm. Tôi thì tôi chán ngấy cái món lính.
- Tôi: đang gõ chữ.
- …

Ba thằng trước thì “tiêu” lâu rồi, Đỗ Văn Cư thì đang hưởng phước ở nước ngoài, tôi cố gắng tìm thông tin để liên lạc nhưng chưa được.


Lúc đó đi học cho có tụ thôi, còn phần lớn thời gian về nhà là tụ tập học đòi…nhậu! Khởi đầu còn tiền thì mua Whisky Nhật Suntory và 45 pha nước dừa tươi ở nhà Lê Minh Thuận có mồi màng đàng hoàng. Thỉnh thoảng buổi chiều chờ lúc chạng vạng, sáu thằng trên ba chiếc xe gắn máy chạy lên Đạt Lý, núp ở bìa làng dùng giàn thun bắn những con gà đi ăn trong vườn cao su tới giờ về chuồng. Hôm nào bắn trật thì sáu thằng hùa nhau đuổi thì con gà cũng không chạy thoát khỏi tay bọn đạo tặc. Có hôm bí quá không thu được kết quả thì Đỗ Văn Cư về bắt trộm gà trong chuồng nhà. Vậy là sáng mai một mình hắn được nghe một bài chưởi mất gà đủ “tông” của Bà già hắn.
Có chiến lợi phẩm rồi, chúng tôi tụ tập lại dưới gác nhà in Quảng Giao cắt cổ nhổ lông nấu cháo bày tiệc chớ đâu biết làm món gì hơn. Lúc nầy lại có thêm Hải lò bánh mì gần đó tham gia. Trải chiếc chiếu xuống nền nhà, whisky Nhật pha nước dừa tươi đổ vào thau nhôm có nước đá chúng tôi chơi trò quay đầu gà uống rượu. Vui hết biết và cũng say hết biết!
Lên trường có hôm được nghỉ hai giờ sau, chúng tôi tụ tập lại ở quán cóc cửa sau trường trung học nhậu rượu đế pha xá xị mà thời đó gọi là Huýt ky Bà Quẹo với khô mực gói xé nhỏ của mấy thằng sâm Cao Ly. Chắc nhậu xỉn quá bị quẹo cu-lát nên mới có cái tên như thế.
Nhưng những việc tệ hại không dừng lại ở đó.

Mùa xuân ở cái đất Bụi Mù Trời ấy vẫn còn khá lạnh và âm u. Giờ Pháp Văn của Thầy Nguyễn Xuân Các với cặp kính nhốp, ăn nói nhỏ nhẹ và dáng vẻ thư sinh ấy không còn hấp dẫn chúng tôi một tẹo nào. (Xin nói thêm là Thầy có mở một lớp dạy chơi đàn guitar classique ở nhà cho mấy chàng ham mê đàn địch và tôi cũng đã học lóm bài Domino, Romance từ đây để lòe con gái chơi). Dãy lớp cũ lắp đặt cửa sổ theo kiểu cửa chớp bằng kính khung gỗ nên có thể kéo khung cửa ra dễ dàng lấy một khoảng trống vừa đủ để chui ra ngoài. Tôi vẫn thường dạo chơi bên ngoài trong giờ học bằng con đường ấy khi Thầy quay lưng lại viết bảng. Thầy quá sành đời nên có thể đọc được những âm mưu trong mắt tôi nhưng chẳng thèm để ý tới, hoặc giả lớp sa mù sớm mai còn vương vất trong lớp khiến Thầy không nhìn thấy một-sự-đào-thoát cũng không rõ.
Rồi một bữa nọ không biết thằng nào trong cái-đám-sáu-tám đưa ý kiến ra quán mua Huýt ky Bà Quẹo vô lớp nhậu chơi và tôi được chỉ định thi hành nhiệm vụ bất khả thi ấy. Có lẽ vì tôi nhỏ con nhất nên tụi nó cho rằng tôi khả thi chăng?
Cặp chai rượu dưới nách trong áo len cùng mấy gói khô mực trong túi, tôi tỉnh rụi bước trở vào lớp như vừa ra ngoài đi vệ sinh. Xui thời, chân vấp phải ngạch cửa. Hơi chới với để lấy lại thăng bằng thì chai rượu tuột xuống. Cũng may “nó nhỏ mà có võ” nên tôi kẹp lại kịp khi nó rớt xuống đã gần tới vạt áo len, rón rén đi về phía dãy bàn cuối lớp cùng cái-đám-sáu-tám ngồi thụp xuống nền nhà mở tiệc nhậu ngay tại lớp trong giờ học. Mấy bà nữ sinh ngồi dãy bên kia liếc qua rồi xì xào, sợ lộ nên phải hối lộ một gói khô mực mới yên chuyện. Phi vụ thành công và tai qua nạn khỏi một cách êm thắm. Đúng là…mấy thằng ba trợn!

Rồi ra trường và đi theo tiếng-gọi-của-non-sông vì vướng lệnh tổng động viên bèn trả-lại-em-yêu…khung-trời-đại-học…để cho người khác uống-ly-chanh-đường…uống-môi-em-ngọt…Rồi hầu hết bọn chúng tôi đã ra đi không bao giờ trở lại mặc cho ai yên ổn mà xây dựng cuộc đời tươi hồng. Trời sinh ai cũng có một phận đời riêng đã được sắp xếp đâu đó ở trên cao, thành ra cũng chẳng nên oán thán làm chi! “Quân tử không oán trời, chẳng trách đất”. Gần cuối đời tôi cũng nghĩ vậy!

Có phải những đứa học sinh cá biệt của trường Trung Học Banmêthuột năm ấy xứng với cái tên gọi tôi đặt là CÁI-ĐÁM-SÁU-TÁM không các bạn?
HÙNG BI
(60-68)
(*) một truyện nhi đồng của Duyên Anh.

Không có nhận xét nào: