Buổi sáng, ngồi chờ từng giọt cà phê rơi trong nỗi nhớ dịu dàng. Có phải đó là hạnh phúc mỗi ngày của tôi? Mỗi người có một cái nhìn về hạnh phúc khác nhau, nhưng riêng tôi thì bao nhiêu đó cũng đủ.
Chưa kịp uống ly cà phê đầu ngày thì điện thoại reo.
Nhịn BMT gọi, mời tới Du Miên uống cà phê giã biệt Thầy Nguyễn Đình Liễn.
- Rồi, tôi tới ngay! Nhưng mai mốt làm ơn kiếm cái quán nào có tên Du Mỹ đó nghe. Cứ bắt tôi Du lịch qua Miên hoài.
Nấn ná hút hết điếu thuốc và uống xong ly cà phê vội vàng phóng tới ngay. Tất cả đã tề tựu: Thầy Liễn, Hương , Nhịn, Khen, vợ chồng Hồng B, Mộc.
Không khí hôm nay không náo nhiệt như tối hôm qua nhưng gần gủi và thân tình hơn nhiều. Chưa kịp thay cái áo khác, vẫn mặc cái áo “ca sĩ” tối hôm qua, vừa bước tới là bị Nhịn và Mộc phang liền:
- Ui, giống ca sĩ Tino Rossi quá!
- Thiệt vậy sao? (hai lổ mũi tôi nghe như phồng to ra). Hì…Hì…Tôi vừa mới “hát” tối hôm qua chia tay Thầy đây mà.
- Không phải Ông đâu Ông ơi, mà là cái áo đó!
Mới sáng sớm mở hàng, hai nàng đã cho tôi rơi cái “bịch” như trái mít rụng. Hơi “quê” nên tôi gỡ lại Nhịn:
- Sao mời uống cà phê mà không chịu báo sớm? Làm tui tốn hết một ly cà phê mất 5.000 đồng.
- Định gọi anh từ tối hôm qua, nhưng…em sợ?!?!
- Bộ sợ tui ăn thịt hả?
- Xì! Làm gì có. Em sợ…đầu tuần anh không rảnh.
- Chời! Khéo lo. Em ở đâu thì anh ở đó mà.
Câu chuyện rất rôm rả, giữa những người phụ nữ là những câu chuyện bạn bè, nhưng với tôi là những câu chuyện anh em. Tự nhiên qua những cuộc hội ngộ Thầy trò, bây giờ tôi có được một tình thân anh em với cái đám “lục tặc” nầy. Thôi thì cứ tha hồ trêu chọc lẫn nhau để thi thoảng những tràng cười rộ lên giữa quán đông người.
Thấy thiếu mất một người trong “bộ tam sên” tôi thường gặp bèn hỏi thăm ngay:
- Lệ Dung đâu sao không thấy mặt?
- Cô nàng đang bận bồng bế cháu ngoại trên Banmêthuột rồi.
Mọi người cứ tranh nhau nói về những chuyện ngày xưa. Chuyện học hành, chuyện yêu đương thời mới lớn. Thậm chí ông lão 73 tuổi cũng bị “chiếu cố”, làm ông lão cứ dẫy nẫy lên như đỉa phải vôi:
- Làm gì có! Làm gì có! Chúng nó chỉ đùa thôi ấy mà.
Tôi lại bắt đầu trêu ghẹo anh chàng Đệ chồng của Hồng B về chuyến đi BMT vừa rồi. Chuyện ngồi quán cóc sau trường nhậu với ý định ban đầu mỗi người uống hết 10 chai mới về, rồi chuyện “xí gạt” dẫn bộ đi quá trời xa qua những con phố núi. Tui phải biện hộ cho sự thiệt tình của mình bởi chính tôi cũng không biết nó xa đến như vậy thiệt mà. Tới bây giờ ngồi gõ lại chuyện cũ, tôi vẫn cứ cười một mình.
Hồng B thì bàn tán sôi nổi về dự định họp mặt Tết năm tới có mặt cả Cô và Thầy để làm tiền đề cho cuộc Hội Ngộ 60 năm của toàn thể Cựu Học Sinh trường Trung Học Banmêthuột. Tôi thì đứng ngoại cuộc chuyện đó vì biết mình có sống được tới đó đâu mà ý kiến ý cò.
Từ chuyện họp mặt đó đã dẫn đến những câu chuyện lần họp mặt 55 năm ở Mỹ. Tất cả mọi người trong bàn ai cũng con đang theo học hoặc đã ra trường và đang sống ở Mỹ trừ một thằng tôi. Không ăn nhịp với câu chuyện, tôi kiếm cớ “khều” Hương.
- Trong tất cả các hình ảnh họp mặt lần đó, tui “ấn tượng” tấm hình mấy cô bị lạc đường ngồi chờ xe, nhất là cô Hương ngồi bên vệ đường mặt nhăn như khỉ ăn ớt.
- Mấy người đó cũng chơi ác thật! Hình em “xấu ỉn” vậy mà cũng post lên để bàn dân thiên hạ thấy hết trơn.
Thầy Liễn nói:
- Đó là tại mấy cô không chịu nhìn con số của gate để báo lại, không thì người ta kiếm ra ngay.
Hai nàng đồng thanh nói:
- Dạ phải đó Thầy, do tụi em sơ ý không nhìn vì chưa quen nước Mỹ.
Tôi trả thù câu “ca sĩ” hồi nãy liền:
- Xì! “Hai Lúa lên tỉnh” thì có. Bộ cô Hiền không sống ở Mỹ mười mấy năm trời rồi sao? Tỉnh lẻ lên thủ đô bị lớ ngớ là cái chắc!
Mộc có vẻ ít lời vì còn khá lạ với chúng tôi. Tôi cũng không biết nhiều về cô ấy, nhưng nghe tên Mộc nghe có vẻ lạ tôi chợt liên tưởng đến Hoa Mộc Miên, một loài Hoa Gạo đỏ ( hì…hì…mạn phép nghĩ cho vui vậy thôi). Hương thì líu lo về đủ thứ chuyện trên đời với hai con mắt chỉ còn như hai sợi chỉ mỗi khi cô ấy cười. Đúng là “cười tít mắt” Hương nhỉ?
Khen ngồi kế bên và tôi đã làm “cóc mở miệng”. Tôi khuyến khích cô nàng nên hoà mình nhiều hơn nữa với những người bạn học của mình, nhưng cô ấy vẫn còn rụt rè vì có người lạ.
- Ui trời! Tôi đã gặp cô biết bao lần rồi mà còn lạ?
- Nhìn bề ngoài anh dữ dằn quá nên em ngại.
Tôi lại đưa câu “chú” ra:
- Đừng xét đoán một cuốn sách qua cái bìa của nó.
- Dạ, em biết. Em thật không ngờ anh viết văn và làm thơ hay quá!
Nhịn ngồi bên cũng tham gia:
- Nói thật với anh nghe, qua bài viết “Nhận xác đồng đội” của anh, em chắc rằng tất cả mọi người không ai có được cái cảm xúc giống em đâu, vì những điều anh viết về những người lính đã qua đời chỉ có những người trong cuộc mới hiểu thấu thôi!
- Vậy sao tui gởi bài cho Cô mà không nghe trả lời trả vốn tiếng nào hết vậy?
- Em nghĩ trong đầu thì được, nhưng kêu em viết ra những suy nghĩ đó thì em đầu hàng thôi. Cứ trông có dịp gặp anh em sẽ nói trực tiếp dễ hơn.
Rồi cô nàng thỏ thẻ kể lại những chuyện tình thời mới lớn, rồi nhắc tới “ông xã” Nguyễn Ty, bạn học cùng lớp ở trường Trung Học Banmêthuột và khá thân với tôi, cùng đi lính chung một khoá sĩ quan, cùng “ngủ” chung một phòng trong quân trường (nói đùa thế thôi chớ mấy tháng quân trường chúng tôi đâu có được cái diễm phúc mà leo lên cái giường trải nệm trắng tinh căng thẳng bốn góc đến nổi thảy đồng bạc cắc lên mặt nệm nó phải tưng lên mới được, không thì khốn nạn ngay), cùng đi “o mèo”, và một trăm cái cùng khác. Tôi không biết cô yêu anh chàng đến bao nhiêu, nhưng vẫn nhớ được số quân của Ty quả là một điều bất ngờ lớn lao. Tôi hỏi đố:
- Cô thử đọc ra đi.
Một lèo 6 con số được đọc ra tròn trịa.
Một người phụ nữ thoạt nhìn vẻ ngoài cũng bình thường và hơi có vẻ “sổ sữa”, nhưng ai hay trong sâu kín của Nhịn có thể ẩn chứa những điều tuyệt vời như thế? Bởi vì số quân như sinh mệnh của người lính, chỉ một mình anh ta mới nhớ vì phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần mỗi khi trình diện thượng cấp. Không một ai có thể nhớ thay ngoại trừ phải căn cứ vào hồ sơ quân bạ.
Dễ đã gần 40 năm rồi chớ có ít đâu mà những con số vô hồn ấy vẫn còn nắm sâu trong tiềm thức một người vợ lính hết sức rõ ràng. Tôi thực sự khâm phục và xin ngã nón vái chào. Đây là một trường hợp độc nhất mà tôi biết được và chắc là ít có trường hợp thứ hai. Hạnh phúc thay cho người bạn của tôi! Tiếc rằng anh không còn sống nữa để được hưởng phước.
Nhạc trong quán nhè nhẹ vang lên “Nghe những tàn phai”:
Chiều nay em ra phố về,
Thấy đời mình là những quán không
Bàn im hơi bên ghế ngồi,
Ngày đi đêm tới đã vắng bóng người.
Có ai đang về giữa đêm khuya
Rượu tàn phai dưới chân đi ơ hờ
Vòng tay quen hơi băng giá
Nhớ một người tình nào cũ
Khóc lại một đời người quá ê chề
Chiều nay em ra phố về
Thấy đời mình là con nước trôi
Đèn soi trên vai rã rời
Ngày đi đêm tới còn chút hao gầy...
Ngày đi đêm tới nghe những tàn phai…
Phải, đời tôi như là một quán không, là con nước trôi hờ hững với tuổi tác và cảm xúc chỉ như một hơi rượu tàn phai nên nghe như có lẫn chút bùi ngùi…
Lúc đứng lên bắt tay từ giã và cầu chúc Thầy lên đường…trở về bên Cô bình an, Thầy còn nhắc khéo tôi:
- Viết cẩn thận đó nghe cậu, nhà tôi mà cháy cậu chữa không kịp đâu đấy!
Hoá ra mấy ngón tay gõ lên bàn phím của tôi cũng có…”sức ảnh hưởng” tới người được đề cập ghê nhỉ? Tôi lại cười một mình khi nhớ tới lời Thầy.
Buổi sáng êm đềm trôi qua giữa một phố thị ồn ào và bụi bặm đã đọng lại trong tôi quá nhiều niềm vui hết sức…giản dị.
(Saigon 25-4-2011)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét