Thứ Hai, 19 tháng 10, 2009

Như lửa và ánh mặt trời

Như lửa và ánh mặt trời
(Kính tặng Cô của tụi em, Cô Lâm Thị Thu Thủy)

(Thuở nhỏ vừa đi học vừa bán cà rem,đậu thủ khoa vào trường THBMT khóa 1968, thi đậu vào Đ H Y Dược,đi bộ đội,làm trinh sát, từ chiến trường Campuchia trở về,,,nay là tiến sĩ dược,giảng dạy tại ĐH Y Dược -BBT)



Ở tuổi năm mươi tư, các suy nghĩ thường đã lắng đọng lại, không còn vẻ bốc đồng, hình thức nữa. Công danh, sự nghiệp có hoặc không thì cũng đã an định cả rồi. Tôi nghĩ mãi, nghĩ mãi mới viết ra những giòng này. Mong các bạn hiểu rằng tôi không hề muốn kể về bản thân, kể về một cái gì gì đó của mình; đơn giản là tôi chỉ muốn nói về một vài suy nghĩ rất thật của mình về một người Cô đã có ảnh hưởng quá lớn lao đến cả cuộc đời lắm nổi trôi của tôi.
Cô kính mến,
… Mãi lâu lắm sau này em mới nghe được một đoạn thơ, ngắn thôi, nhưng theo em đã nói lên công việc mà cả một thời gian dài Cô đã âm thầm mang đến cho em, cho tụi em “Cả một đời cho không, Như lửa và ánh mặt trời”…
Cách nay 40 năm, ngày đó Cô về lại BMT dạy lớp em môn Toán. Ngày đầu tiên học giờ Cô em hồi hộp lắm. Giờ đầu tiên Cô thông báo các quy định về tập vở cho cả lớp. Vở phải được bọc bằng 2 lớp, bên ngoài là bìa nilon trong suốt, bên trong là giấy màu (môn Hình học màu trắng, Đại số màu xanh dương), mỗi cuốn tập đều có dán nhãn đúng quy định về kích thước, màu sắc; ngoài ra mỗi trò còn phải có một cây thước mica dẹt, dài 20 cm gài vào bìa trong nữa. Các giờ học Hình, Đại sau đó cũng thực sự gây ấn tượng với em. Em nhớ mãi những bài tập Hình học đầu tiên trong đời về góc so le trong, so le ngoài, về góc đồng vị, góc có cạnh thẳng góc, về các trường hợp tam giác bằng nhau… chỉ với cách đơn giản là lập 1 bảng nhỏ bên góc phải ghi lại phần Giả thiết (dữ kiện cho trước) và phần Kết luận (điều phải chứng minh) em thấy môn Hình học bỗng trở nên dễ hiểu hẳn. Hoặc trong môn Đại số, Cô hướng dẫn rất kỹ từ cách ghi một phân số phải như thế nào, các dấu tương quan (=, >, <…) phải thẳng tăm tắp từ trên xuống dưới, kết quả phải đóng khung bằng thước kẻ cẩn thận…
Vì điều kiện cuộc sống, nhiều lúc em không tập trung cho việc học được dù em rất ham học. Có những lúc nản lòng, em muốn bỏ học như mấy đứa bạn quanh em…Nhưng sau 2 kỳ thi lục cá nguyệt, em làm bài thi môn Toán khá tốt, trong Thành tích biểu năm ấy của em, Cô phê đúng 5 chữ “Thông minh, nhiều triển vọng”. Em lâng lâng suốt cả tuần, tự nhủ “chắc là mình cũng …thông minh. Ừ, một đứa bán cà rem thì vẫn có thể …thông minh mà”. Em không còn nghĩ đến việc nghỉ học nữa. (một đứa … có triển vọng mà lại nghỉ học à). Em cố gắng học, cố gắng và tự tin một cách lạ kỳ. Cộng với nhiều may mắn, sự cố gắng ấy, sự tự tin ấy đã giúp em đậu đại học, đã giúp em được giữ lại trường làm giảng viên. Trừ một thời gian gián đoạn vì lang bạt nhiều nơi, tới nay em đã giảng dạy được hơn 20 năm rồi. Cái tâm nguyện tuổi nhỏ của em đã được thực hiện. Suốt thời gian này, em luôn học theo cách giảng bài của cô để truyền đạt cho học trò của mình; em cũng học cách trình bày bài giảng theo cách của thầy Vĩnh sao cho học trò mình hiểu bài, nhớ bài một cách hệ thống chứ không cần nhớ thuộc lòng; em cũng học cách trình bày trên bảng của Cô và của thầy Huỳnh Nam, thậm chí em còn dành nhiều thời giờ để tập viết bảng sao cho đẹp, cho rõ, cho thẳng hàng như Thầy Cô. Đến nay, em tự hào mà thưa với Cô rằng, em được nhiều sinh viên quý trọng cả về chuyên môn lẫn phương pháp giảng dạy. Không những vậy, trong phạm vi quyền hạn của một giảng viên em luôn gìn giữ sự trung thực trong thi cử. Cô có biết, từ ngày học Cô đến nay, em chưa hề gian lận trong bất cứ kỳ thi nào và em cũng muốn học trò của mình như vậy.
Vài chục khoá học sinh đã ra trường, em rất tự tin khi dám thưa với Cô rằng, Cô có thể tình cờ gặp bất kỳ một cựu sinh viên trường Dược nào để hỏi về em, và em tin rằng Cô sẽ vui vì có được một đứa học trò đã sống không phụ lòng kỳ vọng của các Thầy Cô.
Năm roi cho chừa tội cẩu thả, năm chữ để cho một sự thay đổi mọi điều trong em.
Cả một đời cho không… có khi nào Cô nghĩ rằng Cô đã có một ảnh hưởng như thế nào đến cả cuộc đời em không. Nhưng trong em, em luôn mong sẽ có một ngày nào đó được gặp lại cô, hy vọng lúc đó cô vẫn còn khang kiện, trẻ trung. Lúc ấy, Cô sẽ thấy một người đàn ông gần sáu mươi tuổi, rụt rè đến chào Cô: “Thưa Cô, em là Kình, Kình cà rem đây ạ”. Cô biết không, chỉ mới nghĩ đến đấy thôi, khi viết tới những giòng chữ này, em đã muốn rơi nước mắt. Từ ngày mồ côi cha đến nay, có mấy khi em khóc.
Em mong biết bao cái ngày được gặp lại Cô, gặp lại người mà Cả một đời cho không, Như lửa và ánh mặt trời…
Kính mong Cô và Thầy khang an, hạnh phúc.
Học trò,
Nguyễn Viết Kình (Cà rem).

Cô Thủy mặc áo dài đen,ảnh chụp năm 1973 trước VP BGH"...Cô có nét đẹp của một búp bê Nhật Bản.."(TC)

1 nhận xét:

Tran Chau nói...

Bài viết thật cảm động.
Chúng em xin xác nhận chưa bao giờ thấy Kình cà rem khóc, thế nên khi nào Kình đến thăm Cô mà khóc, Cô nhớ chụp cho 1 tấm hình Cô nhé, đó sẽ là 1 tấm ảnh quí, hiếm đầy thú vị...!!!
Riêng phần mình, tuy cũng rất muốn gặp lại Cô nhưng em chưa dám, ít nhất là cho đến khi nào biết chắc rằng Cô không còn giữ cây thước mica của năm xưa ấy, em vẫn còn sợ...sợ lắm thưa Cô.
TC.