Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

LỜI THƠ TRONG TIẾNG MƯA THU

( Kính tặng Cô Phạm Thị Minh Hưng bài viết nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11) 




Khi tôi đến quán cà phê Vườn Lan thì hầu như những người tham dự buổi tiệc trà thân mật giới thiệu tập thơ Thoáng Hương Xưa của người làm thơ Phạm Thị Minh Hưng đã tề tựu đông đủ.Tôi như là người cuối cùng có mặt để buổi tiệc trà bắt đầu nên hoá ra mình muốn trở thành nhân vật quan trọng sao? Tôi chẳng hề muốn như vậy, chỉ tại ông Trời quái ác đã đổ mưa trên dọc đường tới đây mà ra như thế thôi.
Lâm Dũng mau miệng nhất:- Ông Sao tới rồi!Thầy Vĩnh phu quân của nhà thơ ngoắc tôi lại ngồi kế bên. Ngượng ngùng ngồi xuống gọi thức uống thì buổi tiệc trà bắt đầu.Ban tổ chức làm việc cũng rất chu đáo. Trên tường là một poster bìa tập thơ được phóng lớn để trang trí, bên dưới có một lẵng hoa và một bức tranh ghi mấy câu thơ của nhà thơ Phạm Thị Minh Hưng mà ai đó đã tâm đắc.Ngoài Thầy Cô thì nhóm 68-75 hùng hậu nhất: Lâm Dũng, Nguyễn Viết Kình, Phi Thuyền, Phạm Hoàng Tuấn, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn…Tuyền, Nguyễn…Phượng, Loan, Kim Thuỷ, Bạch Trầm.Phải nói đại ca trong số Cựu học sinh có mặt hôm đó là tôi (60-68), kế đến là Lệ Dung (65-72), Hồng B (67-74) và một quý cô nương be bé xinh xinh Vân Ty (86-89) cũng góp mặt.

Dường như vì lời hứa với các bạn trong một cà phê trước đó là sẽ viết đôi dòng cảm nghĩ về tập thơ nên họ có ý đợi tôi. Trong lúc phấn khích tôi đã vui vẻ nhận lời, nhưng sau nghĩ lại mình chớ nên vì dăm ba bài thơ đã viết mà dại dột nói về tác phẩm của một người đã in mấy tập thơ rồi nên thoái thác vì bận quá nên không viết kịp.Lâm Dũng đành phải đứng lên ngỏ lời khai mạc:- Thưa Thầy Cô và các bạn! Hôm nay chúng ta tụ họp ở đây để Cô Minh Hưng ra mắt tập thơ Thoáng Hương Xưa vừa xuất bản. Nội dung tập thơ nói về tuổi học trò và được phổ biến dưới hình thức tặng-miễn-phí cho các học trò. ( Tôi kết cụm từ mà Lâm Dũng dùng: tặng-miễn-phí. Có lẽ trong tự điển riêng của Lâm Dũng còn có hình thức tặng-thu-phí?) Vỗ tay!

Nhìn quanh, thấy mình lớn tuổi nhất trong các Cựu học sinh nên tôi phải nói điều gì chớ! Tôi ngượng ngùng thố lộ "hoàn cảnh" là chưa đọc tập thơ của Cô đủ, hơn nữa sự hiểu biết của tôi về thơ còn hạn chế nên sẽ "ngâm cứu" thêm và hẹn sẽ có bài viết cảm nghĩ của mình sau.Cô Minh Hưng vui vẻ gật đầu chấp nhận vì với đứa con tinh thần tương đối đồ sộ đâu thể có những cảm nghĩ vội vàng và sơ sài đối với nó.Tuy vậy, Cô không đồng ý với lời nói bị cho là làm-bộ-khiêm-tốn của tôi vì Cô biết tôi làm thơ cũng khá nhiều và những lời thơ của tôi rất...gợi tình!Nói sao đây nhỉ? Tôi khoái quá nên chỉ biết cười toét miệng thôi!Nhân dịp, tôi cũng gởi tặng mỗi người một bài thơ có minh hoạ rửa trên giấy ảnh cảm tác từ tựa đề tập thơ của Cô Minh Hưng.

Lâm Dũng ấn vào tay tôi chai champagne đề nghị khui để khai mạc, nhưng tôi không muốn mình phải bắt đền chùm đèn trần của quán vì đã một lần làm thủng cái trần nhà rồi nên vừa nói vừa giả lơ "bán cái" cho Nguyễn Văn Hùng.Sau vài hớp rượu khai mạc với những chiếc bánh, Cô Minh Hưng phát biểu cảm tưởng. Rõ ràng Cô rất xúc động và hạnh phúc trong đêm nay đối với những tình cảm của những học trò già giành cho Cô. Hãy khoan nói về những bài thơ vì chưa ai đọc kỹ, mấy mươi năm đã trôi qua mà vẫn giữ được tình cảm thắm thiết Thầy trò thật đáng trân quý biết bao!

Tác giả tập thơ ký tặng-miễn-phí cho các học trò có mặt. Bù lại, Cô giành riêng cho mình một tập và nhờ các độc giả "ký biên bản cuộc họp" với đầy đủ tên họ. Phu quân Vĩnh cũng phải làm bổn phận dù không muốn.Tôi cười nhỏ chọc ghẹo:- Cô ơi! Tha cho Thầy một keo được không? Nội một chữ ký giành cho Cô trên giấy kết hôn Thầy đã ớn lắm rồi!Nhưng Cô không chịu. Luật là luật, phải thi hành!

Có vẻ như Bụt chùa nhà không thiêng! Thầy Vĩnh nói nhỏ tấm tắc khen trí nhớ tôi rất tốt về những điều đã rất lâu mà vẫn còn nhớ trong bài viết Đoạn đường 4C của xứ Banmêthuột. Ví như con đường một chiều quanh khu chợ cũ hay tiệm phở Tân Hiên giờ đâu còn nữa?

Lâm Dũng giới thiệu "cô bé Vân Ty" có một lẵng hoa sinh nhật tặng cô. Dù là lớp sau rất xa 86-89 của Trường cấp 3 Buônmathuột, Vân Ty rất xúc động được các anh chị lớp lớn đồng ý sinh hoạt chung.Tôi nghĩ chẳng ai trong chúng tôi phân biệt điều đó, thậm chí những cựu học sinh của các trường khác của xứ Banmêthuột nếu không ngần ngại muốn tham gia sinh hoạt chung, chúng tôi cũng rất sẵn lòng và hoan hô bởi vì nơi xứ lạ mà gặp gỡ những người-đồng-hương thì ai cũng vui. Biết đâu đây là một tiền đề cho một Hội đồng hương Banmêthuột sẽ được chung sức thành lập sau nầy?Những buổi họp mặt tương đối đông của các niên học đều thân quen nhau nên rất thoải mái và vui vẻ, những câu chuyện cứ nổ như bắp rang.Đến phần văn nghệ chung vui, Vân Ty xung phong hát trước với bài Buồn tàn thu của Văn Cao với tiếng đệm guitar thùng của Nguyễn Văn Hùng.Rất tiếc là không có micro để giọng hát tuyệt vời với những giọng rung cuối câu được phô diễn cùng tiếng mưa thu rơi nhè nhẹ bên ngoài khung cửa sổ.Tôi đề nghị Phượng-điệp-viên hát bài Mộng dưới hoa của Phạm Đình Chương. Phượng lắc đầu:- Không! Em chỉ biết bài Hoa duoi Mong thôi!

Phượng hát xong lời một, tôi đứng dậy xin hát ké lời hai vì đây là bài hát tôi rất thích.Tiếp đến, Vân Ty ngâm bài thơ Vàng thu của Cô trong tiếng đệm guitar của Nguyễn Văn Hùng xuôi tôi nhớ tới giờ ngâm thơ của chương trình Tao Đàn trên Đài phát thanh Sài gòn ngày xưa, chỉ còn thiếu tiếng sáo trúc của Nguyễn Đình Nghĩa.

Rồi Tuyền với Tuổi xa người của Từ Công Phụng và đọc bài thơ Thả bay theo gió tôi vừa gởi tặng mọi người.

Đến lượt Bạch Trầm bước lên kính tặng Cô bức tranh có bốn câu thơ của Cô Minh Hưng với sự xúc động và tôn vinh đầy kính trọng. Bạch Trầm cũng ngâm hai bài thơ của Cô.Phượng lại tiếp tục hát Trường tan em về trong tiếng vỗ tay hoà nhịp của mọi người.

Hai nhân vật lúc nào cũng xuất hiện muộn là Ông Bà Thanh Thuý, chính là hai người góp công rất lớn cùng Lâm Dũng và Nguyễn Viết Kình để hoàn thành tập thơ Thoáng Hương Xưa của nhà thơ Phạm Thị Minh Hưng hôm nay ra mắt độc giả.Chúng tôi bốn gã đàn ông thèm thuốc lá lẩn ra ngoài phòng hút thuốc lá vặt. Thầy Vĩnh ngỡ tụi tôi định "chuồn" nên ra hiệu với Cô Minh Hưng đứng lên. Đứng ngoài cửa kính thoáng thấy, tôi khều mấy tay kia dập lửa bước trở vào phòng. Chừng như Cô Minh Hưng đang ngập tràn trong hạnh phúc nên chưa muốn chia tay.Nguyễn Văn Hùng bắt nhịp lại vừa đàn vừa hát Hương Xưa của Cung Tiến.Nhưng rồi cuộc vui nào cũng phải tàn. Tiếng mưa thu ngoài kia sau khi hoàn thành bổn phận hoà chung với những lời thơ của nhà thơ Phạm Thị Minh Hưng đã rong chơi ở nẻo khác.Thật là một đêm thơ nhạc đầy ý nghĩa hiếm có trong tình cảm Thầy trò ấm áp và xúc động.Chúng tôi chia tay đầy lưu luyến và vui vẻ. Trời đã tạnh ráo và dường như những ngôi sao trên cao đang nháy mắt với chúng tôi trên đường về.s@...(tháng 11/2014)


Không có nhận xét nào: