Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

KỂ CHUYỆN CỔ TÍCH

Ngày xửa ngày xưa…có một nơi được gọi là “Thư viện”.
Ai mà chẳng biết thư viện là nơi chứa những cuốn sách để người ta vào đó “lục lọi” những kiến thức đã được tích góp lại thành những trang sách in để học tập và tra cứu hầu bổ sung thêm cho vốn kiến thức của mình. Hoặc giả nơi đó trở thành một chốn hò hẹn của đôi lứa để dành cho nhau những ánh nhìn thắm thiết đầy ắp tình cảm với những mẩu giấy nho nhỏ trao qua mà không được nói thành lời bởi đâu đâu cũng thấy có một tấm bảng viết rằng “Xin giữ im lặng”. Thi thoảng, đó cũng là một nơi chốn khuất nẻo dành cho một ai đó ngồi lặng yên đưa cái nhìn ra ngoài khung cửa sổ mà gởi hồn theo một vạt nắng chiều, theo những chiếc lá lay nhẹ trong cơn gió thoảng hay theo những áng mây trắng bay bay…Cũng có thể đoán được cái gì đang diễn ra trong đầu của những nhân vật đó, nhưng cụ thể là gì thì…chịu!
Tôi xin kể cho các bạn nghe về một nơi chốn có cái tên như thế. Đừng nóng vội nhíu mày khi nghĩ cái thằng cha nầy đúng là rỗi hơi, kể chi cái chuyện mà ai cũng biết và đã từng nhiều lần bước vào rồi. Cứ từ từ nhẩn nha mà đọc đi.
Mỗi khi lần giở những trang sách đời có tên là Kỷ Niệm của mình thì cái anh nầy cứ hay loi choi muốn bước ra trước. Và cũng đã nhiều lần tôi muốn “làm việc” với nó, nhưng vì lý do nầy lý do nọ tôi cứ lần lựa mãi. Mấy mươi năm đã trôi qua một cách bình lặng, nhưng gần đây qua phương tiện Internet lại thấy xuất hiện ngày càng nhiều những bài viết nhắc lại những kỷ niệm thời mới lớn của các bạn đồng môn với tôi ở trường trung học, nhưng chẳng thấy ai đề cập tới nó nên nảy sinh ý tưởng mình cũng góp phần một chút với họ coi.
Tất nhiên tôi không phải là một “Người đương thời” có một chút ảnh hưởng với vài người chung quanh trong hiện tại, mà chỉ đơn giản là một người đã từng đi lướt qua những sự kiện, có xuất thân từ một nơi chốn tương tự các bạn nên tôi nghĩ những câu chữ kể lại của tôi có nhiều người hiểu được. Cũng có nhiều bạn chưa hề thấy mặt mũi nó tròn méo ra sao, nhưng xin cứ đọc để thấy rằng nó đã từng tồn tại trên mảnh đất mà rất nhiều lần những bước chân son trẻ trong tấm áo học trò màu xanh da trời của mình đã dẫm lên.
Con người ai cũng có đủ những lục dục thất tình, có yêu thương, có nhung nhớ, có giận hờn…Nếu nói vể kỷ niệm có lẽ khởi đầu bằng niềm nhung nhớ thì hay hơn cả.
Tôi muốn nhắc tới cái “Thư viện” của một trường trung học đã biến mất từ rất lâu. Có người sẽ hỏi nếu nó đã không còn tồn tại thì nói tới làm gì? Cũng tại bởi nó là một trong những kỷ niệm sáng lóng lánh đối với tôi, cũng tại bởi tôi đã dự phần làm nên hình hài nó, cũng tại bởi tôi đã từng hòa chung nhịp thở với nó trong những đêm tuổi trẻ, cũng tại bởi vài lý do khác nữa mà người ngoại cuộc khó mà hiểu thấu.
Vào khoảng niên học 1966-1967, phong trào CPS (Chương trình Phát triển Sinh hoạt học đường) của Bộ Giáo Dục phát triển rộng khắp cả nước. Tôi chỉ nhớ mang máng thế thôi bởi vào thời khoảng đó tôi vẫn là một thằng thanh niên vừa vỡ giọng hơi cà chớn đang ngày đêm miệt mài cỡi trên lưng những chiếc xe gắn máy của Nhật vừa có mặt tại Việt Nam thi thố cái đởm lược tuổi trẻ cùng với Nguyễn Ty nhà in Quảng Giao, Đặng Phó ở đường Lý Thường Kiệt và cái đám thanh niên mới lớn loi choi của xứ Buồn Muôn Thuở trên những con đường bé tẹo gồ ghề. Nhất là đoạn đường bắt đầu từ cột đèn ba ngọn dọc theo phi trường L.19 tới cây số 3 rồi ngược lại tới cổng số 1 hàng đêm đều chứng kiến những cuộc “đua tài chơi chơi” trên những chiếc xe gắn máy của bọn chúng tôi. Tiếng gầm rú của động cơ, gió mạnh thổi bay những ngọn tóc ngược về phía sau, những cú lạng lách thót tim vẫn hấp dẫn và lôi cuốn hơn là ngồi nghiền ngẫm đến thuộc lòng những đạo hàm, những Analysé grammaticale logiquement, những bài học Vạn Vật dài lê thê… Lại nữa, không dưng chính vào lúc đó, tuổi mới lớn của tôi lại xuất hiện một thứ tình cảm kỳ diệu phủ lấp tràn đầy tâm hồn cho mãi tới tận bây giờ có muốn dứt cũng không ra: “Hình như là Tình Yêu” (*).  Ngồi vào bàn định học bài thì tấm hình với khuôn mặt kiều diễm của cô bạn gái với vài sợi-tóc-tìm-thấy còn sót lại trong quyển vở cho mượn của mình như một lời trao gởi đã làm “thần hồn nát thần tính” rồi thì thử hỏi làm sao mà chữ nghĩa nó vô trong đầu?
Lúc đó đoàn IVS (International Volunteer Service) đến từ Mỹ mà trong đó có mặt cô Diana cũng có mặt tại Banmêthuột do Thầy Bùi Dương Chi vốn là thành viên kết hợp với phong trào CPS để hoạt động. Tôi chẳng biết nội dung hoạt động và cương lĩnh của họ ra sao, chỉ biết có những sinh hoạt tập thể đầy hào hứng thì tham gia. Ngoài những hoạt động hỗ trợ sinh hoạt cộng đồng cho thanh niên học sinh, họ còn hướng vào vài mục đích khác. Có lần họ đã được chính quyền cho phép và liên lạc với một phi đội trực thăng của Mỹ để chở đám học sinh chúng tôi cùng với họ vào thăm một tiền đồn dân sự chiến đấu người thượng do Lực lượng đặc biệt Mỹ chỉ huy nằm sâu đâu đó trong rừng già dưới hình thức đi ủy lạo chiến sĩ. Thì cũng thăm hỏi cho vui, được đãi cho bữa trưa, uống vài lon Coca rồi kéo nhau một con suối khá lớn lội bì bỏm buổi trưa, chiều trực thăng tới đón về. Có một cây cầu treo được hình thành từ ba sợi dây cáp thép lớn dài khoảng năm chục mét mắc vào bốn cái trụ vững chắc trên bờ suối và đám dây rừng kết hai bên thành cầu võng xuống đong đưa phía trên cao khoảng hai chục mét so với mặt nước của con suối. Đứng trên đó mà lắc lư thì quả thật rất thích thú. Thêm nữa, được nhìn các cô sinh viên người Mỹ mặc những bộ bikini vẫy vùng trong con suối trong vắt thì quả là quá hấp dẫn đối với bọn thanh niên mới lớn chúng tôi. Biết là vậy, nhưng chỉ dám nhìn qua loa rồi thôi. Nhìn kỹ quá…phải tội! “Đồ cúng” không đó! Dù mặc cái áo nào, ai cũng là con người hết mà.
Thêm một chuyện vui nữa là có một mối tình đã nảy nở trong chuyến đi đó giữa anh chàng thông dịch viên và chị bạn cùng lớp với tôi.
Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với hoạt động của họ là một buổi lửa trại được tổ chức phía sau dãy lớp học cũ. Tuổi trẻ mà! Hễ thấy có lửa là mê, là lao vào. Những điệu nhảy tập thể, những bài hát của họ đệm bằng tiếng đàn guitar thùng cất lên mộc mạc trong ánh lửa trại bập bùng đã làm tôi chết mê chết mệt ngay tức khắc.
Tính tính tính tình tang tang tang
Cuộc đời mình như chiếc thuyền nan
Trôi nó trôi bềnh bồng…
Đi đến Tô ký ô
Mình níu tay chiếc dù
Mặc áo Ki mồ no
Tô kì ồ…Tô kí ô…
Dù là dù với Ki mồ nô…
Cũng là lần đầu tiên được nghe bài hát cải biên từ dân ca quan họ Bắc Ninh “Trèo lên quan dốc”. Thích quá!
Trèo lên quan dốc ngồi gốc ối a cây đa. Rằng tôi lý ối a cây đa.
Ải xui ôi à tính tang tình rằng. Cho cô mình gặp xem hội cái đêm trăng rằm.
Tôi lý ối a cây đa, Rằng tôi lới ới a cây đa…
Tôi nghĩ đó là một trong những hoạt động để cổ súy đám học sinh trung học tham gia phong trào. Tất nhiên mục tiêu của họ không phải chỉ là học sinh của trường Trung Học Banmêthuột mà còn lan tỏa rộng hơn nữa tới những trường khác. Một hoạt động cụ thể thiết thực của họ ở đây là xây cho trường một thư viện bằng nguồn tài chính từ đâu thì tôi không rõ.
Đó chỉ là một ngôi nhà thấp nho nhỏ có cửa kính bao quanh và tường được xây bằng gạch xin-va-ram trát xi măng, mái lợp tôle cũng tương đối khang trang. Tất cả được dựng nên bằng chính công sức các học sinh của trường.
Gạch xin-va-ram là gì? Đó là một loại gạch được cấu thành từ hỗn hợp đất đỏ badan và xi măng, nhờ đặc tính dẻo quánh và hơi ẩm trong đất để làm “chết” xi măng chớ không dùng nước trộn vào theo cách thức thông thường. Nếu tôi nhớ không nhầm thì hai loại vật liệu trên được trộn lẫn với tỷ lệ 50/50. Chúng tôi đào những cái hố lấy đất ở mảnh đất trống của trường phía sau dãy lớp học cũ. Xúc lên những cái khiêng dã chiến làm bằng hai thân cây dài to cỡ cổ tay kẹp theo bề dọc của vỏ bao xi măng khiêng về đổ thành từng đống nhỏ cạnh khuôn ép để trộn với xi măng. Có hai cái khuôn ép gạch bằng sắt sơn màu vàng với cánh tay đòn khá dài để lấy lực ép cho lớn. Sau khi quét một lớp dầu nhờn lên mặt trong khuôn cho khỏi bị dính, đổ hỗn hợp vật liệu vào một cái khuôn hình chữ nhật có kích thước bằng một viên gạch blốc mà ngành xây dựng hay dùng và gạt ngang bằng mặt rồi đặt bàn ép lên trên. Chiều cao của khuôn phải cao hơn kích thước viên gạch để khi cánh tay đòn ép xuống theo nguyên tắc đòn bẫy sẽ cho ra sản phẩm đã được nén chặt đạt kích thước đồng đều. Khi khâu ép hoàn tất, gạch sẽ được đưa ra khỏi khuôn bằng một đòn bẫy đạp phía dưới cho viên gạch trồi lên trên. Từng viên gạch sẽ được xếp thành hàng gần đó chờ chín. Khoảng ba ngày sẽ có được những viên gạch tương đối chắc chắn để xây tường.
Khởi đầu thì tôi tình nguyện làm nhiệm vụ đào và khiêng đất, rồi giữ chân bưng bê những viên gạch vừa được ép ra. Lâu lâu có anh thợ ép chánh nào mệt quá thì nhảy vô ép ké vài viên. Chắc cũng được hơn ba chục viên có lẽ. Hì…Hì…”Tổ quốc ghi công” rồi đấy! Rồi tham gia vào việc đào móng cho cái “thư viện” tương lai. Nó an vị tại miếng đất trống đầu hồi của dãy lớp học mới nằm cặp theo đường Hùng Vương. Khoảng cách từ dãy lớp tới đụng tường rào cũng bằng khu nhà của anh tài xế Kiểm nên đương nhiên nó cũng có chút xíu. Đó là chỗ mà trước đây chúng tôi hay chơi đánh đáo, bắn bi hoặc thảy banh lỗ.
Tới phần xây nhà thì…thua vì chẳng biết phụ gì hết. Không nhớ là mất bao lâu thì nó được hoàn thành. Ngày khai trương mở cửa đứa nào cũng háo hức vào để coi có cái gì trong đó. Chèn ơi! Bên trong nó giống như một hàng bán sách của một buôn thượng nào đó thôi. Cũng có những dãy kệ thâm thấp sát tường xếp sách, vài cái bàn dài với những băng gỗ lấy cái ngồi đọc sách. Thư viện được một dãy kệ thấp ngăn ra làm đôi. Phía ngoài tương đối rộng hơn với những đầu sách toàn là những sách dạy tiếng Anh cho lớp vỡ lòng của trẻ con Mỹ với những hình minh họa vui mắt đầy màu sắc. Phía bên trong tương đối “trí thức” hơn với những đầu sách đa phần của các tác giả Tự Lực Văn đoàn. Nó đã chiếm lĩnh thời gian trong giờ ra chơi của tôi nhiều nhất do “sân chơi” cũ đã bị lấn chiếm. Để từ đó những Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng, Đoạn Tuyệt của Nhất Linh, Gánh Hàng Hoa của Nhất Linh và Khái Hưng, Nắng Trong Vườn của Thạch Lam, Khu Rừng Lau của Doãn quốc Sỹ v.v…đã du tôi vào cái thế giới mộng mơ với những tình cảm trai gái đầy lãng mạn. Đọc thì đọc vậy thôi chớ có học được cái gì từ trong những quyển sách đó chỉ bởi bản tính tôi rất mê đọc tiểu thuyết, cả những truyện võ hiệp của Kim Dung tôi đọc không sót một bộ nào. Nhưng để viết thành câu cú cho đúng với dàn bài của một bài tập làm văn thường thì tôi chỉ đạt được điểm số dưới trung bình, nói chi tới chuyện dám đảm nhận một bài thuyết trình phân tích về một tác phẩm văn học. Về chuyện nầy thì lúc đó tôi hoàn toàn bái phục những lời phân tích rất hùng hồn của chị Bé đen khi đứng lên thuyết trình trước lớp.
Tôi nghĩ có lẽ tất cả những đầu sách trong đó là do sự đóng góp của CPS và IVS thôi, không một đơn vị hữu quan nào rót ngân sách xuống để trang bị cho đúng nghĩa một thư viện của trường trung học tỉnh.
“Thư viện” trường Trung Học Banmêthuột của tôi đó!
Nếu chỉ bao nhiêu đó thôi thì cũng chưa đủ kết thành “kỷ niệm ngọt ngào” với tôi. Sau một thời gian, Ban Giám Hiệu giao cho anh bạn học cùng lớp Thành Ngọc Trào trông coi vào ban đêm để ngăn ngừa “đạo tặc”. Trào vốn là một học sinh người Chàm nhà tận Phan Rang, thuộc diện người sắc tộc nên được Chính phủ nuôi ăn ở trong Ký Túc Xá của trường.
Vậy là đêm đêm, sau những cuộc đua xe bán mạng ngoài đường phố, tôi và Đặng Phó lại mò lên thư viện để học nhóm chuẩn bị luyện thi Tú tài một. Lại lôi thêm anh bạn người Mường Bùi Tiến Thoan trong Ký Túc Xá nhập bọn. Học nhóm mà học cái gì ngoài chuyện đàn hát rồi thu vào cái magnétéphone mini chạy bằng pin của Phó để sáng mai vào lớp chờ tới giờ ra chơi mở ra rè rè mà khoe mẻ với các bạn. Đêm nào thì tiếng đàn tiếng hát non choẹt cũng bập bùng trong cái thư viện ấy cho mãi tới tận khuya. May mà nó nằm riêng lẻ đơn độc không gần với nhà ai, nếu không là “có vấn đề” ngay. Ban-nhạc-chúng-tôi đã tập chơi nhạc phẩm Bây Giờ Tháng Mấy, Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên…có từ Trào khi nó chỉ mới là những trang giấy quay ronéo của chàng sinh viên người Chàm Từ Công Phụng chưa được phổ biến rộng rãi. Giọng hát của tôi chắc cũng đạt được danh hiệu “ca sĩ cấp lớp” nên cũng mơ tới ngày nào đó được đứng trên sân khấu…một buôn thượng để trình diễn. Trên thế giới nầy, ban nhạc nào cũng phải có tên để người ta gọi chớ! Bọn tôi bèn nghĩ ra một cái tên cho mình  hơi…bí hiểm một chút: “CVVM band”. Phàm ở đời, cái gì mà viết tắt đều bí hiểm cả, làm người ta cứ phải suy đoán lung tung. Thiệt ra, nó rất nôm na: Chàm Việt Việt Mường. Trào là người Chàm, Phó người Việt, tôi người Việt, Thoan người Mường. Thấy không, dễ hiểu gần chết! Lý ra phải gọi là CKKM mới đúng, K là người Kinh mà. Nhưng lúc đó suy nghĩ chúng tôi còn nông cạn lắm!
Có một nhóm nữ sinh lớp dưới học buổi chiều ngồi đúng vào vị trí của chúng tôi buổi sáng. Thấy mấy anh chàng cà chớn lớp trên nầy bày đặt lập băng, họ cũng tập họp lại thành nhóm bốn người đối đầu lại và cũng đặt tên đàng hoàng nhưng xưa quá nên tôi quên tuốt rồi. Thì cũng thư đi tin lại mỗi ngày bằng những mẩu giấy đặt trong hộc bàn khi cuối giờ học rất thú vị. Rồi cũng hẹn hò hò hẹn nhưng cuối cùng chẳng đi tới đâu cả vì đó chỉ là một trò vui của tuổi học trò. Chẳng hiểu các “bà” đó bây giờ có ai còn nhớ tới chuyện đó không? Nếu tình cờ những dòng chữ nầy lọt vào mắt thì chắc là họ sẽ nhớ lại. Cũng cầu mong được như thế.
Sau những đêm thức miệt mài, sáng ra bọn tôi bốn thằng ngồi trên những hàng gạch mới xây thô giữa sân trường gặm những chiếc bánh mì với kẹo đậu phộng mà Trào với Thoan lãnh phần ăn sáng tiêu chuẩn của họ trong Ký Túc Xá. Hai thằng được phát hai ổ bánh mì với bốn thanh kẹo đậu phộng to cỡ hai ngón tay. Bánh mì thì bẻ đôi và mỗi thằng một thanh kẹo đậu phộng, Nhẩn nha nhai cho nước bọt ứa ra thấm vào vị ngọt của bánh mì và kẹo đậu phộng rồi vào lớp mà học làm người. Cái vị ngọt ấy nó thấm vào tâm hồn tôi mãi cho tới tận bây giờ khi nhớ về một thời tuổi học trò. Đắng cay thì cũng có đó, nhưng làm sao lấn át được cái ngọt ngào? Trong ba thằng bạn ấy, không biết có còn thằng nào nhớ lại những kỷ niệm chung của cái thời đó không?
Rồi chiến tranh lôi tôi đi, những gian khổ, những sợ hãi, những mưu mẹo để được sinh tồn làm tôi cứ phải căng mắt nhìn về phía trước và hai bên để dè chừng coi có thằng nào định tiêu diệt tôi không, có chỗ nào ngon lành để chui xuống mà trốn cái chết…tôi đã không có thì giờ quay lại đàng sau mà nghĩ mà nhớ về quãng đời đã qua. Tất cả tôi cho lui vào quá khứ hết. Những hệ quả sau cuộc chiến cứ làm tôi phải nơm nớp lo sợ không biết có ai dòm ngó cuộc sống riêng tư của mình để một ngày xấu trời nào đó lại lôi tôi vào vòng rào. Vả lại cuộc mưu sinh của những kẽ lỡ thầy lỡ thợ vất vả và đầy cay đắng, chống đỡ để tồn tại đã làm mệt mỏi rã rời thì ai đâu mà còn hơi sức tưởng nhớ về quá khứ? Mãi đến khi vượt qua tuổi sáu mươi, tự nhủ là mình chắc đã được “ngoài vòng cương tỏa” rồi, thì giờ trống trải cũng nhiều nên ngồi mà nhớ lại rồi khoác áo kỷ niệm lên để chúng đẹp hơn và long lanh hơn cho riêng mình.
Gần đây, tình cờ thấy được hình ảnh của lớp học trò xưa xếp hàng chào cờ trong sân trường cũ, tôi thảng thốt khi không còn thấy hình ảnh cái “thư viện” ngày nào. Như đã nói ở trên, nó có bé tẹo thì đâu có sử dụng được gì nhiều, người ta đã phá dỡ nó để xây nên ngôi nhà một tầng không biết dùng vào việc gì? Thì cũng như khu Rừng lao xao, cái piscine đầy ắp kỷ niệm, buôn Kosier với những người đàn bà dân tộc để ngực trần, rạp xi-nê Lodo…đã tàn phai, đã hoang phế.
Vậy đó, bỗng dưng trong tôi như có một sự giận hờn. Giận ai? Hờn ai? Tôi không biết.
Quá khứ thì có thể phôi phai tan biến, nhưng kỷ niệm chắc là sẽ còn lưu giữ mãi trong tâm hồn tôi.
HÙNG BI
(60-68)


(*) tên một truyện ngắn của Hoàng Ngọc Tuấn. Tay nầy cũng dân Banmêthuột nhưng gốc La San, nổi tiếng khá sớm và tôi rất thích văn phong của anh. Thêm một truyện ngắn nữa là Cô Bé treo mùng cũng khá hay. Nhưng chính vì chỉ muốn thể hiện bản sắc riêng, không thích chiều theo tính bầy đàn vốn có của con người nên cuối cùng anh đã chết trong nghèo khó, bệnh tật. Những tập tính đó của con người vẫn không thay đổi.

Không có nhận xét nào: