Thầy Bùi Dương Chi có buổi gặp gỡ quí Thầy Cô tại Saigon, nhắc nhở những chuyện xưa cũ của mình dưới mái trường Trung Học BMT
Thầy Trương Vinh và thầy Bùi Dương Chi |
Cô Trang, Hiệu Trưởng Trường Tiểu Học Nguyễn Công Trứ ( 90 tuổi)và Thầy Võ Viết Di |
Thầy Võ Quí Sĩ, Thầy Võ Viết Di, Thầy Trương Vinh, Thầy Võ Ngọc Lô và Thầy Bùi Dương Chi |
Chị Nhịn (1965) , Anh Kiều Văn Hùng (1960), Chị Hồng (1967) |
L Dũng (1968 - bên phải) |
Thanh Thuý ( 1968) |
Chị Hương, Chị Nhịn (1965),Chị Hồng (1967)và A Kiều Văn Hùng (1960) |
Quí Thầy Cô và các cựu Hs TH BMT kể chuyện Hội Ngộ 55 năm |
Chị Ng Thị Hồng , Chị Hương và chị Nhịn |
Thầy cô và các cựu Hs chuyện trò thân mật |
HỌP MẶT THÂN TÌNH
5:00 chiều một ngày tháng chín. Vừa đẩy xe ra để đến nhà Lâm Dũng theo lời hẹn gặp mặt của Thầy Bùi Dương Chi do nhờ Cô Hồng gọi điện thoại trời bỗng đổ mưa. Thoạt đầu, mưa chỉ lất phất bay nhưng tôi cũng ngại ướt bộ đồ vía của mình. Cứ tần ngần đứng chờ ở cửa chưa đi vội vì cứ nghĩ trời Sài Gòn chợt mưa chợt nắng, chắc chỉ một thoáng mưa mây rồi tạnh ngay thôi mà. Nhưng không ngờ mưa ngày càng nặng hạt. Sốt ruột quá, cứ đốt thuốc liên tục chờ mưa dứt.
6:00 chiều. May mà hôm trước Cô Hồng cho số điện thoại của Lâm Dũng nên gọi hỏi ngay là các Thầy đã đến chưa vì nghĩ là chắc cũng kẹt mưa như mình. Ai dè Lâm Dũng nói các Thầy đã đến sớm đông đủ hết rồi. Ui Trời! Vậy là dù có ướt bộ đồ vía cũng phải mặc áo mưa mà phóng cho nhanh. Đóng cửa lại trong đầu đã thoáng nghĩ đến lộ trình nào là thuận lợi nhất vì ngay giờ cao điểm buổi chiều mà.
Thật là dại dột khi chọn con đường từ đường Phan Văn Trị Gò Vấp đến đường Cộng Hoà Tân Bình bằng cách đi ngang cổng sân bay Tân Sơn Nhứt đến Lăng Cha Cả đầu đường Cộng Hoà. Trời mưa kẹt xe, người đi đông như kiến tràn lấp hết mặt đường. Những tủ kính bán bánh Trung Thu lại phô bày trên lề đường với người mua kẻ bán đông nghịt. Đoạn đường Cộng Hoà từ Lăng Cha Cả trở đi đến nhà Lâm Dũng chỉ khoảng 2 cây số, tôi toàn chạy luồn lách trên lề đường mà mãi hơn nửa tiếng đồng hồ mới tới.
Gần đến nơi thì trời đã sụp tối do có mưa, nhà Lâm Dũng tôi chưa tới lần nào lại nằm trong đường nhỏ. Quần đảo hơn 15 phút kiếm nhà, xém tới thì chịu thua vì số nhà họ cho hay ho quá, không theo một thứ tự nào nên phải ới Lâm Dũng ra đón. Đã sát một bên rồi mà phải gọi đến lần thứ hai mới gặp.
Đẩy xe vào nhà bước lên lầu thì đã thấy gần đông đủ các Thầy Cô, nhưng học trò thì mới chỉ có gia chủ Lâm Dũng (68), tôi Kiều Văn Hùng (60)và Nguyễn Thị Hồng-Hồng B (67) đang lui cui dưới bếp sửa soạn thức ăn. Các Thầy Cô thì đang chuyện vãn. Bước vào gật đầu chào rồi tự giới thiệu chớ hơn 40 năm rồi sao mà nhớ. Thì các Thầy cũng chỉ biết đây là một thằng học trò cũ thôi chớ giữa một thằng nhỏ non choẹt hồi xưa so với một thằng già râu ria bây giờ họa có là thánh mới nhớ ra.
Ngồi nói chuyện khoảng 15 phút sau mới thấy hai cô Hương, Nhịn (65) điệu Thầy Võ Ngọc Lô vào. Nếu không gặp hai cô, chắc Thầy cũng đã đi về vì tối quá tìm nhà không ra. Khoảng nửa giờ sau thì có Thanh Thuý (68) cũng tới. Toàn “thứ dữ” không. Hương, Nhịn, Thuý mới đi dự họp mặt 55 năm bên Mỹ về. Hồng B làm du học và du lịch. Chắc cô ấy lo thủ tục xuất cảnh cho mấy cô kia đi Mỹ. Thì tôi chỉ đoán vậy thôi.
Tôi bèn tặng các tiên nga một bài thơ.
SẮC THU
Heo may theo tiết thu về,
Hơi thu man mác bốn bề nao nao.
Vàng thu rơi nhẹ lao xao,
Không dưng bỗng nhớ ngày nào thanh xuân.
Thuyền quyên sánh bước tình quân,
Tay trong tay dạo, bâng khuâng mơ màng.
Chân nàng đều nhịp bên chàng,
Có con bướm trắng bàng hoàng bên hoa.
Những HỒNG, những THÚY thướt tha,
Những HƯƠNG, những NHỊN khóm hoa mỹ miều.
Hoa tình đã dậy hương yêu,
Những chàng trai đã ít nhiều vấn vương.
Se thành những sợi yêu thương,
Bao nhiêu đã đủ thiên đường Tình Yêu.
Dù rằng hoa đã muốn chiều,
Nhưng nhan sắc ấy còn nhiều phấn hương.
Phải rằng đã chút pha sương?
Tóc mây ngày cũ nơi nương hồn tình.
Phải rằng đã hết bình minh?
Sắc hoàng hôn tím vẫn tình mênh mang.
Phải rằng mùa đã thu sang?
Nhưng dường xuân vẫn dềnh dàng chưa đi.
s@...
Về phía các Thầy Cô thì có Cô Trang là Hiệu trường trường tiểu học Nguyễn Công Trứ đã 90 tuổi vẫn còn minh mẫn, các Thầy Võ Viết Di mới đi dự họp mặt kỷ niệm 55 năm thành lập trường Trung Học Ban Mê Thuột ở Mỹ về, thầy Bùi dương Chi thì Mỹ rặt rồi, Thầy Võ Ngọc Lô nhỏ con thư sinh, Thầy Trương Vinh hiền lành cứ ngồi lặng thinh, Thầy Võ Quí Sĩ cũng “nói dữ”. Tôi chỉ học có thầy Chi và Thầy Lô.
Gia chủ mời các Thầy Cô vào bàn. Do bàn còn trống chỗ nên gia chủ mời luôn bậc “trưởng thượng” của đám học trò ngồi chung luôn. Hôm đó, Lâm Dũng đã đặt tiệc chay ở nhà hàng đãi các Thầy Cô do “ngôi sao” bữa tiệc là Thầy Chi ăn chay trường. Ăn chay mà uống rượu chát “ngoại” chớ! Cũng ngộ một điều là Thầy Chi theo đạo Công giáo mà ăn chay, không biết định một mai lên Niết bàn hay Thiên Đàng đây? Nhưng chắc là ăn kiêng để mong sống lâu trăm tuổi thôi.
Thôi thì chuyện xưa chuyện nay nổ ra trên bàn tiệc như bắp rang trong không khí hết sức thân tình, ấm cúng và tràn đầy tiếng cười. Đám học trò già vây quanh tố khổ Thầy Chi tới bến do “thành tích” ngày xưa đi dạy phạt học trò “thần sầu” luôn. Tôi mới than thở một câu: “Hồi xưa sao mấy thầy phạt ác quá! Một năm lãnh 4 cấm túc là phải ở lại lớp rồi, vậy mà chỉ có tội chơi đáo tường trong trường với tội vừa đi vừa “hái hoa” dọc đường trước cổng trường sau giờ tan học sớm mà Thầy Giám Thị Nguyễn Đình Liễn phạt cho mỗi tội 2 cấm túc làm thằng nhỏ phải ở lại lớp Đệ Thất hết một năm.” Thầy Chi sững sốt: Thật vậy sao? Tôi đâu có biết. Nếu biết thế tôi đâu có phạt học trò nhiều làm chi.” Chuyện nầy cũng lạ đây.
Thú vị một điều là hồi xưa, đứng trước mặt các thầy thì run như cầy sấy, bây giờ thì đã có thể bàn chuyện thời sự rồi vì ai tóc cũng đã hoa râm. Thầy có 100 cọng tóc bạc thì trò cũng được 10 cọng. Kiến thức xã hội thì Thầy biết 100 vấn đề thì trò cũng biết 10 vấn đề nên dễ dàng trò chuyện ăn nhịp với nhau, tạo nên một không khí hết sức thoải mái.
Người cầm chịch trong bàn chắc chắn là Thầy Chi rồi vì từ xưa đến giờ thầy vốn nói nhiều. Thầy Chi kể rất nhiều chuyện vui làm không khí trong bàn sôi động hẵn lên. Sẽ viết thêm một bài khác về những chuyện vui thầy kể. Các thầy lại quay sang vặn Thầy Di vừa đi họp mặt bên Mỹ về, yêu cầu cho một nhận xét về nước Mỹ. Thầy cười xoà rồi nói: “Thôi tui xin thua, có một ông Mỹ rặt ở đây mà bảo tui kể thì như múa rìu qua mắt thợ”. Thầy Chi không đồng ý và cho rằng cái cảm nhận ban đầu mới đáng quý chớ tôi coi như đã bị đồng hoá rồi còn gì nữa. Tương tự cái cảm nhận về Tình yêu trước một cô thiếu nữ chắc chắn phải khác rất xa trước bà vợ già héo hon rồi. Thầy Di cười xoà rồi cũng đồng ý. “Cái cảm nhận đầu tiên của tui về nước Mỹ là sao mà họ chăm sóc những người lớn tuổi kỹ quá! Xuống tới phi trường nào cũng thấy đã có mấy cái xe lăn dành cho người lớn tuổi đi lại khó khăn và những người tàn tật mà trong đó có sẵn một cái dành riêng ghi tên tui”. Chắc là do hãng hàng không nhìn trong manifest biết được Thầy lớn tuổi nên họ đã chuẩn bị sẵn.
Vui nhất là các Thầy kể lại những chuyện thời tuổi trẻ còn dạy học chung với nhau rồi chọc ghẹo lẫn nhau. Thật là một dịp may hiếm có cho thằng học trò già được nghe những câu chuyện ấy. Trăm câu chuyện kể được bày ra trên mặt bàn tiệc cùng những tràng cười vui vẻ. Chừng như căn phòng của nhà Lâm Dũng không đủ sức chứa hết những tiếng cười họp mặt thân tình, nó len ra ngoài khung cửa theo tôi về tới tận nhà trong một buổi tối tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.
Rất chân thành cám ơn các Thầy Cô đầy lòng thương mến các học trò đã tề tựu gặp mặt chung vui.
Thành thật cám ơn Lâm Dũng rất nhiều đã đứng ra tổ chức buổi họp mặt đầy ý nghĩa.
Cám ơn tất cả các bạn đã tề tựu để nhắc nhớ những kỷ niệm một thời đã xa lắc trên miền đất nắng bụi mưa bùn. Chưa chắc gì còn được một cuộc họp mặt như thế. Nó sẽ được cộng thêm vào trong ngăn những kỷ niệm ngọt ngào của mỗi người.
KIỀU VĂN HÙNG
(CHS 60-68)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét